Nếu trong lớp học có những học sinh nghịch ngợm, không hợp tác, không chịu tuân thủ các nội quy của nhà trường thì giáo viên sẽ luôn lo lắng, trăn trở, tìm mọi cách để đồng hành, giúp đỡ các em trong mọi thời điểm để vượt qua khó khăn có được sự tiến bộ, trưởng thành.
Việc giáo viên bị căng thẳng tâm lý dẫn đến những sự ứng xử thiếu tinh tế, thậm chí vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp cũng không hẳn là không có.
Thậm chí, nhiều thầy cô phải đương đầu với những tin đồn thất thiệt về mình bị tung ra một cách bất ngờ. Các biệt danh “lạ” mà học sinh đặt cho mình như: bà la sát, phù thủy bục giảng… làm nhiều giáo viên không ít lần rơi nước mắt.
Không dừng lại ở đó, vì học sinh cá tính quậy phá quá đáng, vì học sinh mâu thuẫn với gia đình, vì các nhóm bạn bạo lực học đường dẫn đến cái kết thương tâm của một nhóm học sinh nào đó làm thầy cô bị khủng hoảng trong một thời gian dài.
Nghề là nghiệp, khi đã chọn được một nghề nào đó để dấn thân thì sẽ luôn coi là sự nghiệp gắn bó suốt cuộc đời. Dẫu có gặp phải niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay thất vọng thì vẫn kiên định theo đuổi hành trình. Vì một phần trong đó là ước mơ và cả đạo đức, trách nhiệm trong nghề.
Giáo viên có những bệnh nghề nghiệp về mặt xã hội khi quyết định chọn nghề như là duyên nợ của đời mình. Những biểu hiện bệnh nghề nghiệp về mặt xã hội của người thầy có khả năng xuất hiện như: rất “nhạy” trước những hành vi thiếu lễ phép, dẫn đến nghiêm trọng hóa vấn đề, nghiêm khắc một cách chủ quan khi đánh giá, phán xét, cứng nhắc trong nhìn nhận, thiếu sự chấp nhận cá tính của học sinh, không dễ dàng đồng thuận với sự lập dị, dễ dàng lên lớp rao giảng những điều chuẩn mực…
Tất cả không phải là điều giáo viên hoàn toàn muốn, mà là do nghề nghiệp đem lại, mang lại cho người làm nghề giáo. Thậm chí, nhiều thầy cô vẫn không dễ nhận ra sự thay đổi tính cách này dần dần theo nghề nghiệp. Bởi có người còn cho rằng, sau một thời gian dài làm giáo viên, bản thân trở nên khó tính hơn, yêu cầu cao hơn và rất “dị ứng” với cách ứng xử khiếm nhã.
Người thầy, những câu chuyện trong nghề, như những người đưa đò, đưa hết lớp người này, đến lớp người khác vượt qua dòng sông cuộc đời. Sau mỗi lớp học sinh đó, một khóa học hoàn thành là thêm những kỷ niệm buồn vui xen lẫn được nhớ lại, đôi khi là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn nhưng những nỗi day dứt nghề nghiệp vẫn xảy ra bất kì lúc nào của những năm tháng đồng hành với học sinh.
Không ai có thể nói được điều gì, cũng như có thể lường trước tất cả những khó khăn, trắc trở xảy ra trong nghề nghiệp của mình. Nghề dạy học cũng nằm trong guồng quay khắc nghiệt đó. Việc sống chung với niềm đam mê, hạnh phúc và cả những thử thách của nghề là lẽ đương nhiên, ai cũng phải chấp nhận.
Vì thế, xây dựng lòng yêu nghề, bản lĩnh kiên định và trách nhiệm của bản thân trong suốt quá trình làm việc là điều cần làm. Tuy nhiên, những phẩm chất đáng quý đó không thể ngày một ngày hai là có được, mà cần nhiều trải nghiệm trong nghề, lòng yêu nghề thực sự, sự tạo điều kiện của nhà trường, của bạn bè đồng nghiệp, sự cảm thông từ phụ huynh, từ học sinh và của cả xã hội.
Đối với người thầy, một khi chọn nghề sư phạm là cái nghiệp, là cơ duyên. Chính điều đó đã tạo cảm hứng, truyền thêm lửa “nhiệt huyết” cho giáo viên phấn đấu và không ngừng hoàn thiện bản thân mình tất cả vì học sinh thân yêu.
Cuộc đời có thay đổi bao nhiêu, giá trị nào được giữ lại, giá trị nào bị lãng quên. Thì riêng với người giáo viên, họ vẫn luôn giữ được hình ảnh để là những người “đưa đò thầm lặng”, tiếp tục sự nghiệp “trồng người” qua bao đời nay.
Dù có những thách thức từ các bệnh nghề nghiệp ở các mặt thể chất, tâm lý và xã hội, song, người thầy vẫn luôn phấn đấu là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội: “Dưới ánh sáng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.