Những người tiên phong
13 bệnh viện đầu tiên cam kết không còn tình trạng nằm ghép là Nhi, Châm cứu, Việt Đức, Trung ương Huế, Trung ương Thái nguyên, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Nhiệt đới, Lão khoa, Da liễu, Răng Hàm Mặt, Tâm thần và Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.
Theo bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện cam kết không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép không phải vì Bộ phát động mà xuất phát từ thực tế bệnh viện.
Dịch sởi năm 2014 khiến bệnh viện trở thành ổ dịch là bài học về công tác chống nhiễm khuẩn cũng như cách ly bệnh nhân. Do vậy, từ năm 2014, bệnh đã cải cách hành chính, tăng cường cơ sở hạ tầng, chọn bác sĩ điều dưỡng có chuyên môn cao làm việc tại phòng khám vào giờ cao điểm, thực hiện quy định mỗi bác sĩ chỉ khám 50-60 bệnh nhân trong 8 giờ làm việc. Nhờ đó, trong 4 tháng gần đây, bệnh viện đã không còn nằm ghép.
Giám đốc Bệnh viện Viện Đức Nguyễn Tiến Quyết cũng khẳng định sẽ thực hiện cam kết không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép. “Những khoa quá tải sẽ huy động giường của khoa khác để bệnh nhân có giường nằm”, bác sĩ Quyết trao đổi.
Thống kê của Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 1/2015, cả nước đã có 18 bệnh viện tuyến Trung ương không còn tình trạng quá tải, nằm ghép tại khu vực nội trú. Một số bệnh viện trước đây có nhiều khoa nằm ghép nay đã giảm đi như Bệnh viện Bạch Mai hiện còn 12 khoa vẫn phải nằm ghép; Bệnh viện Chợ Rẫy còn 18 khoa;
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế còn 6 khoa nằm ghép… Có được kết quả trên một phần nhờ tỷ lệ giường bệnh/vạn dân tăng. Tỷ lệ giường bệnh thực kê trên vạn dân hiện là 28,1, tăng 3,4 so với năm 2012. Tại 36 bệnh viện tuyến Trung ương, tổng số giường bệnh thực kê tăng 4.800 giường.
Phong trào hay thực chất
Việc các bệnh viện tuyến cuối cam kết không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép là tín hiệu mừng, cho thấy những bức xúc, nỗi khổ của người bệnh đã… chạm đến người đứng đầu bệnh viện. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất như hiện nay, không ít người cho rằng đây chỉ là hình thức.
Lý lẽ trên không phải không có cơ sở bởi điển hình như Bệnh viện Việt Đức có tổng số 1.000 giường nhưng lượng bệnh nhân điều trị nội trú luôn ở mức 1.050 người trở lên. Như vậy, có ít nhất 50 người phải nằm cáng hoặc nằm giường kê ở hành lang hay cạnh nhà vệ sinh. Như vậy, xét về lý thuyết, tình trạng nằm ghép không còn nhưng việc phải nằm cáng, giường ngoài hành lang… cũng cơ cực chẳng khác nào nằm ghép.
Tại những bệnh viện mà công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 120% như K, Chợ Rẫy, Bạch Mai việc tận dụng mọi diện tích để kê thêm giường hay để băng ca ngoài hàng lang được thực hiện từ lâu.
Tuy nhiên, tại những khoa quá tải cao, bệnh nhân không chỉ phải nằm ghép 2 người/giường mà thậm chí còn 3-4 người khiến người bệnh khỏe phải nằm đất để giường chỗ cho người bệnh nặng. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, để không còn tình trạng nằm ghép, người nhà được gợi ý thuê phòng dịch vụ hoặc chuyển bệnh nhân ra điều trị ngoại trú… là có thật.
Xóa tình trạng bệnh nhân nằm ghép là một trong những giải pháp đúng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Để cam kết của các bệnh viện không phải là lời nói suông, việc phản ánh qua đường dây nóng, thay thế người điều hành bệnh viện là việc nên làm.
Tuy nhiên, song song với đó phải là những biện pháp mang tính gốc rễ như xây mới bệnh viện vệ tinh, không cho phép mở phòng dịch vụ ở khoa đang quá tải, tiếp tục đầu tư cơ sở…
- Để tiếp tục giảm tải bệnh viện, ngành Y tế đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Bệnh viện Nhi Trung ương, Lão khoa Trung ương, Phụ sản Trung ương, Việt Đức; Da liễu, phấn đấu đến hết năm 2015 có 50%, đến giữa năm 2016 có 2/3 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.