Bênh con kiểu người Việt: Cạm bẫy tiền, quyền

Chiều chuộng, bênh vực con đến mức cứ khó là có bố mẹ nâng đỡ bằng tiền, bằng quyền thì đó là mối nguy hại rất lớn...

Bênh con kiểu người Việt: Cạm bẫy tiền, quyền

Người Việt chăm chiều con cái từ trước tới nay không còn lạ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những thông tin khiến dư luận khó hiểu: Thiếu tá mang súng vào trường, cán bộ đánh nhau... vì bênh con.

Ở một chiều khác là hiện tượng một vài cán bộ, là con ông cháu cha, dù ít tuổi, vẫn nhận được những vị trí công tác quan trọng trong bộ máy nhà nước hay doanh nghiệp. Để lý giải cho hiện tượng trên, báo Đất Việt xin đăng tải phần ý kiến của ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề này.

Benh con kieu nguoi Viet: Cam bay tien, quyen - Anh 1

Thiếu tá công an mang súng vào trường đánh bạn học của con: Hành động chỉ có ở kẻ côn đồ

Từ thời xa xưa, ông cha ta đã dạy "con hơn cha là nhà có phúc". Cũng chính từ lời răn dạy trên mà từ thời vua chúa, các bậc minh quân cho tới quan lại có chức sắc trong chiều đình họ luôn coi trọng việc chăm chút, dạy dỗ con cái.

Nhưng cách chăm dạy con cái của họ là để khi trưởng thành những đứa trẻ đó sẽ trở thành những đứa trẻ hơn cha, hơn mẹ cả về tư chất đạo đức, hơn về trí tuệ, hơn về sức khỏe.

Vì một người không có đức, không có tài sẽ không thể dẫn dắt, lãnh đạo được ai.

Ngày nay, việc những bậc làm cha, làm mẹ cũng mong muốn con cái mình giỏi giang, thành đạt, sung sướng là tâm lý bình thường. Chính vì tâm lý đó nên mỗi ông bố, bà mẹ lại có một cách chăm, chiều, dạy dỗ con theo cách riêng.

Một phần cũng là vì mong muốn con cái mình có thể thành đạt, giỏi giang hơn người... Dù là lý do nào, mong muốn đó nếu đứng trên cương vị của những người làm cha, làm mẹ thì đều có thể hiểu và chia sẻ được.

Vấn đề là muốn con giỏi giang, hơn người theo cách nào lại là vấn đề phải suy ngẫm. Là cách giáo dục, bao bọc như mang súng vào trường gây sự, lao vào ẩu đả, đánh nhau rồi đến khi lớn lên thì cậy chức, cậy quyền sắp đặt, dọn đường, trải thảm cho con cái trên con đường quan lộ? Hay lựa chọn cách phải bỏ công, bỏ của, bỏ thời gian, khổ tâm rèn luyện, tu dưỡng cho con cái trưởng thành?

Ở đây còn phụ thuộc vào trình độ, văn hóa, tư chất đạo đức, tầm nhìn và bản lĩnh của những bậc làm cha, làm mẹ. Họ có đủ sáng suốt, có đủ khôn ngoan để lựa chọn cho mình một phương pháp giáo dục, dạy dỗ con cái phù hợp hay không?.

Công cuộc nuôi dạy con cái không hề đơn giản chỉ là sinh con ra, cho nó ăn là nó lớn. Cho nó đi học là nó thông minh, tài giỏi. Xã hội đã ghi nhận rất nhiều những trường hợp bố, mẹ phải khổ sở, đau đớn, chết mòn khi chứng kiến những công tử, tiểu thư rơi vào cảnh sa ngã, phá gia chi tử.

Rồi những ông bố, bà mẹ từng phải chạy đua để giành giật lại chính những đứa con mình sinh ra từ những cạm bẫy, cám dỗ ấy để đưa nó trở về với mình.

Bởi bên cạnh những tác động từ phương pháp giáo dục còn một vấn đề rất quan trọng sẽ tác động trực tiếp tới quá trình hình thành nhân cách cũng như quyết định sự thành, bại của một đứa trẻ chính là môi trường xã hội. Bố, mẹ, gia đình chỉ là nền tảng, là bước đệm, còn cuộc sống, môi trường xã hội mới là nơi để thực hành.

Đấy là lý do vì sao mà cũng là chăm con, chiều con nhưng cách giáo dục theo chiều hướng coi con là thiếu gia, tiểu thư nhà giàu, được hưởng thụ xa xỉ nhờ thành quả lao động của cha mẹ lại luôn bị phản ứng, bức xúc. Ngược lại, nhóm bắt con cái phải thể hiện giá trị cá nhân, không nâng đỡ, bao bọc lại nhận được sự đồng thuận nhiều hơn.

Phải hiểu rằng bố mẹ không thể theo chân con cái mãi và nếu cứ giữ tư duy đó cuối cùng kết quả nhận lại chỉ là một đứa trẻ quen sống ỉ lại, thu động, mất dần khả năng tự vệ chỉ biết trông chờ sự bao bọc, bảo vệ của người khác, không thể khẳng định được mình.

Người ta vẫn quan niệm, cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo. Nhưng cách chăm chiều con nêu trên không thể hiện một tấm gương tốt ngược lại, dạy con quen sống trong nhung lụa, sống trong bao bọc tưởng là thương con nhưng lại là hại con.

Xã hội cũng đã ghi nhận rất nhiều hiện tượng không tốt như tiến sĩ đánh mẹ, đuổi mẹ ra đường để tranh giành tài sản... Tất cả là do chính sự chăm chiều thái quá khiến một đứa trẻ trở lên ích kỷ, chỉ còn biết nghĩ tới mình, nghĩ tới lợi ích của cá nhân.

Đó cũng chính là hệ quả tư duy của những ông bố bà mẹ lúc nào cũng chỉ muốn con mình phải hơn người, hơn người bằng mọi giá, hơn người từ lúc bé cho tới khi trưởng thành. Từ tâm lý đó mà người ta cũng bằng mọi giá phải nâng đỡ, dọn đường cho con cái dễ bề thăng quan, tiến chức, hưởng bổng lộc dễ dàng.

Thiếu tá mang súng vào trường: Tử tế đàng hoàng lắm

Cách giáo dục này không giống với một người có tư duy độc lập, muốn đi lên bằng chính sức lực, tố chất của mình. Ví dụ như một số hoàng tử nước Anh cũng bắt buộc phải vào quân đội để được rèn luyện trước khi thừa kế ngôi vị.

Còn với những đại gia, tỷ phú thế giới như Bill Gates cũng chỉ dành cho con một phần tài sản rất nhỏ như một phần vốn chứ không nuông chiều theo kiểu giành hết tài sản cho con để con cái sẵn bề có cuộc sống sung sướng, giàu sang....

Đồng ý chiều chuộng con cái là đúng nhưng chiều chuộng, bênh vực con, muốn con chỉ nghĩ đến chuyện ăn trên ngồi chốc, khó khăn, vướng mắc là đã có bố mẹ nâng đỡ nếu không bằng tiền thì là bằng quyền, đó sẽ là mối nguy hại rất lớn, ảnh hưởng tới cả tâm lý chung toàn xã hội.

Theo Đất Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ