Bên trong sự cay nghiệt là tận cùng cô độc, tự ti của bà mẹ chồng Phương?

Ẩn đằng sau những hành động có phần cay nghiệt, bà mẹ chồng Phương trong Sống chung với mẹ chồng thật sự đáng trách hay đáng thương?

Bên trong sự cay nghiệt là tận cùng cô độc, tự ti của bà mẹ chồng Phương?

Sống chung với mẹ chồng đang là một trong những bộ phim hot nhất sóng truyền hình trong những ngày qua. Không nằm ngoài sự suy đoán của phần đông khán giả, bộ phim nhanh chóng gây sốt ngay từ ngày những tập phim đầu tiên.

Khai thác câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu từ muôn đời nhưng với cách nhìn mới mẻ, bộ phim như “nói hộ tiếng lòng” của nhiều nàng dâu thời hiện đại bằng những tình huống quen thuộc, đơn giản mà chân thực, mang đậm hơi thở cuộc sống.

Ba me chong

Mâu thuẫn trong gia đình bà Phương liên tục tăng cao trong những tập phim gần đây.

Trong cơn bão bình luận của khán giả, dễ dàng để nhận thấy số đông mọi người tỏ ý đồng cảm, thương xót cho cô con dâu trẻ, hết lời chê trách bà mẹ chồng tên Phương (NSND Lan Hương “bông” thủ vai) quá khắt khe, khiến cuộc sống gia đình bức bí, ngột ngạt.

Nhưng ẩn sau sự cay nghiệt đáng trách đó lại là tình yêu thương quá lớn, có phần tiêu cực, ích kỷ của bà dành cho chồng con. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, có phải chính sự tự ti, sợ bị chia sẻ tình cảm đã khiến người mẹ chồng này ngày càng trở nên cay nghiệt, quá quắt?

Ác cảm với con dâu vì nỗi sợ phải “chia sẻ” con trai

Ngay từ những tập mở đầu của Sống chung với mẹ chồng, khán giả đã có dịp “cười ra nước mắt” vì những tình huống trái khoáy xảy ra trong gia đình bà Phương (NSND Lan Hương “bông”) từ khi cô con dâu mới về chung sống. Sự quan tâm quá lớn của người mẹ chồng vô tình khiến cuộc sống vợ chồng của Thanh (Anh Dũng) - Vân (Bảo Thanh) thêm ngột ngạt, khó xử.

Những chuyện tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của vợ chồng Vân, điển hình như việc sợ con trai muộn giờ làm, bà phăng phăng vào phòng lật chăn gọi dậy. Thấy con trai rửa bát, bà vội vã giật lấy tạp dề.

Dù đã có con dâu nhưng bà vẫn sợ con trai nửa đêm bị… lạnh, rón rén vào phòng chỉnh điều hòa, đắp lại chăn. Khi hai con đùa giỡn trong phòng, bà Phương cũng nghĩ đến những tình huống nguy hiểm như… con trai bị đánh vào chỗ hiểm. Rồi đến cả lúc Thanh làm vệ sinh cá nhân, bà cũng phải mang quần đùi vào tận cửa phòng tắm…

Nhiều khán giả khi xem những cảnh này đã buông lời chê trách, cười cợt bà Phương, cho rằng đây là những việc làm thừa thãi, thậm chí vô duyên khi con trai đã trưởng thành, có gia đình riêng.

Ai cũng từng nghe câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, nhưng đặt trong tình huống này chẳng còn ai nhớ đến nữa. Việc quan tâm, chăm sóc con trai vốn đã trở thành thói quen trong suốt mấy chục năm qua, tự nhiên như việc ăn cơm uống nước sao có thể thay đổi, biến mất trong một sớm một chiều?

Cái lý lẽ được bà nhắc đi nhắc lại: “Mẹ nhiều kinh nghiệm, mẹ quyết toàn là điều đúng, điều tốt thôi” nghe có vẻ khiên cưỡng, cứng nhắc nhưng âu cũng là bắt nguồn từ tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ.

Không thể phủ nhận nhà biên kịch đã cường điệu hóa sự thật và xây dựng bà Phương thành một nhân vật điển hình để phim có những tình huống “gay cấn” và hấp dẫn đối với người xem, nhưng rõ ràng đây không phải bà mẹ chồng xấu xa.

Sinh ra được duy nhất một cậu con trai, tình cảm từ xưa đến nay bà Phương chắt chiu hết cho Thanh. Vậy mà đứa con mình mang nặng đẻ đau, nuôi từ tấm bé bỗng dưng lại yêu và bị kiểm soát bởi một người phụ nữ khác, dù muốn dù không thì người mẹ nào cũng sẽ trải qua sự hụt hẫng vì thay đổi này.

Câu nói của bà Phương: “Mẹ nuôi con khôn lớn bằng này không phải để con nghe con gái nhà người ta về đây cãi mẹ” nghe qua thì có phần ích kỷ, cay nghiệt, nhưng đó cũng là một phần sự thật.

Ba me chong

Bà Phương giở mọi “chiêu trò” cũng là vì sợ “mất” con trai. Lúc này, Vân phải là người tinh tế, khéo léo giải quyết vấn đề để mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không bị chăng thẳng.

Vốn kỹ tính, lại thêm suy nghĩ tiêu cực (sợ con dâu “cướp mất” con trai, sợ con trai chịu thiệt…) khiến bà Phương càng thêm ác cảm với Vân. Nếu như Vân cũng nhận ra những điều này, thông cảm, đối xử tinh tế hơn với mẹ chứ không phải trạng thái ăn thua, “mẹ quá đáng với mình thì mình cũng phải chiêu trò trở lại”, thì có lẽ cuộc sống sẽ dễ thở hơn.

Ghen tuông với chồng vì sự tự ti về mọi mặt?

Sau khi xem xong 3 tập phim lên sóng tuần này, khán giả càng được phen giễu cợt trước màn ghen tuông có phần vô lý của bà Phương.

Chuyện chẳng có gì lớn, bắt nguồn từ việc chồng bà - vốn là lãnh đạo lớn trong cơ quan - được một nhân viên nữ cấp dưới đến tận nhà đón đi dự hội thảo. Cô là một người mẹ đơn thân, xinh đẹp, trẻ trung, khéo léo trong cách ứng xử. Điều này khiến bà Phương “nóng mắt”.

Ba me chong

Cô nhân viên xinh đẹp, khéo léo là nguồn gốc khiến bà Phương nổi cơn ghen.

Mọi chuyện càng nghiêm trọng hơn khi trong đêm tiệc sinh nhật ông Phương, cô nhân viên kia lại xuất hiện, vui vẻ chúc tụng “sếp”, được Thanh - Vân hết lời khen ngợi, quý mến. Cô cũng không quên làm thân với bà Phương, nhắc nhở bà nên chú ý hơn vẻ bề ngoài, cách chăm chút tóc tai, quần áo.

Vừa xấu hổ, vừa tức giận, bà hết lời nhiếc móc cô nhân viên “không biết điều” trước mặt chồng, thậm chí còn nghi ngờ ông Phương có quan hệ mờ ám gì đó nơi công sở. Hậm hực dồn nén, bà Phương nổi máu ghen và to tiếng cãi nhau với chồng.

Chẳng ngờ ông Phương không những không nhẫn nhịn như mọi khi mà còn lớn tiếng chê vợ ăn mặc tuềnh toàng mỗi lúc ra ngoài và ngang nhiên so sánh với người phụ nữ kia.Cực chẳng đã, bà Phương khóc nức nở, “giận lây” Vân và nhất quyết đòi li hôn chồng.

Ba me chong

Nhiều người xem cảnh phim này đã bật cười, coi màn ghen tuông trẻ con của bà Phương không khác gì một “gánh tuồng chèo”. Nhưng nếu là những người phụ nữ nội trợ, quen chăm sóc chồng con lại rơi vào tình huống này, hẳn ai cũng sẽ thông cảm, thấu hiểu cho người mẹ chồng mang tiếng tai quái này.

Vốn là người phụ nữ nội trợ, bao năm qua bà Phương quanh quẩn trong nhà, lấy việc chăm sóc gia đình làm niềm vui duy nhất. Chỉ cần nhìn chồng con ăn ngon miệng, mặc tấm áo thơm, đi trên mặt sàn sạch sẽ bà cũng phấn khởi.

Khi con trai lấy vợ, tình cảm của bà Phương được trao chọn cho chồng, lấy đó là nơi bấu víu duy nhất về mặt tình cảm, tâm lý. Ấy thế mà giờ nhìn một người phụ nữ khác trẻ trung hơn mình, xinh đẹp hơn mình, ngày ngày hớn hở bên cạnh chồng cả ngày nơi công sở, ai không khỏi chạnh lòng, lo lắng? Đặc biệt khi ông Phương lại là người lãnh đạo, phong độ ngời ngời, được biết bao nhân viên dào đón, lấy lòng?

Ba me chong

Nhiều người có thể bật cười khi chứng kiến màn ghen tuông của bà Phương, nhưng ẩn sau điều đó lại là những nỗi cô đơn, tự ti đến đáng thương.

Sự ghen tuông của bà Phương bắt nguồn từ tình yêu to lớn cho chồng, sự lo lắng bị mất đi chỗ dựa tinh thần, và cả nỗi tự ti mình thu kém những người đồng nghiệp nữ của chồng nơi công sở.

Bao năm qua bà vì chồng vì con lo cho gia đình, quên cả bản thân, nếu bây giờ chồng bà chê bà tuềnh toàng mà đi với người phụ nữ khác thì bà biết làm sao nữa? Bà đã phải “san sẻ” con trai cho con dâu, giờ không thể “mất” cả chồng nữa.

Ba me chong

Hành xử của bà Phương suy cho cùng cũng là phản ứng tâm lý thông thường của những người phụ nữ nội trợ. Có chăng là sự yêu thương chồng con hết mực cùng với việc quan tâm quá sâu đã khiến chồng, con trai, con dâu mất đi phần nào tự do trong những ngày đầu chung sống.

Thiết nghĩ ông Phương, và đặc biệt là Thanh - người đàn ông đứng giữa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu phức tạp - cũng cần linh hoạt, khéo léo hơn nữa, để dung hòa mối quan hệ đôi bên, để bà Phương biết mình vẫn còn giá trị quan trọng trong ngôi nhà này, rằng Thanh lấy vợ tức là mẹ anh có thêm một người con dâu, chứ không phải mất đi đứa con trai duy nhất, lúc đó hạnh phúc gia đình chắc chắn sẽ tự khắc gõ cửa mà thôi.

Theo SaoStar

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.