Facebook vừa công bố phát hành tính năng Reactions - một loạt 5 biểu tượng cảm xúc mới gồm Angry, Sad, Wow, Haha và Love trên toàn cầu, bên cạnh nút Like truyền thống.
Đây được đánh giá là thay đổi lớn nhất trên Facebook trong nhiều năm qua, hứa hẹn thay đổi cách người dùng phản ứng trước các sự kiện trên mạng xã hội.
Không nhiều người biết, quyết định mang tính lịch sử của Facebook không được đưa ra tại trụ sở công ty. Tại Four Seasons Silicon Valley - cách 10 phút lái xe từ trụ sở Facebook, Giám đốc phát triển sản phẩm Chris Cox tổ chức thảo luận, yêu cầu từng người trong số 6 lãnh đạo cao cấp của Facebook trình bày 3 dự án họ cảm thấy hào hứng nhất trong năm 2015. Đến lượt Cox, ông dội một quả bom: “Chúng ta cần làm gì đó với nút Like”.
Nút Like được xem là biểu tượng của Facebook. Tại lối vào trụ sở công ty thuộc Menlo Park, California, hãng cho trưng bày một biểu tượng Like khổng lồ. 1,6 tỷ người dùng Facebook nhấn nút Like hơn 6 tỷ lần mỗi ngày, nhiều hơn lượng tìm kiếm trên Google.
Thay đổi nút Like trên Facebook giống như Coca-Cola thay đổi công thức bí mật của mình. Cox từng thử thay đổi nút Like nhiều lần trước đây nhưng chưa ý tưởng nào đủ thuyết phục để đem thử nghiệm chính thức.
“Nút Like là trái tim của Facebook. Do đó, nó cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng”, Cox cho biết. Lựa chọn trước đây - nút “Dislike” - bị loại bỏ ngay từ đầu vì yếu tố tiêu cực.
Phó giám đốc của Cox - Adam Mosseri - thở một hơi thật dài. “OK, tôi ủng hộ anh”, ông nói một cách long trọng.
Cuối tuần đó, Cox đem dự án này trình bày với sếp, cũng là người bạn lâu năm của mình - Mark Zuckerberg. “Anh ta nói gì đó đại loại như "Ok, hãy tiến hành đi và chúc may mắn". Sẽ là một nhiệm vụ khó khăn”, Cox nhớ lại.
Chris Cox là người thứ 2 từ phải sang.
Cox không sáng lập, cũng không có cổ phần ở bất cứ công ty nào khác. Ông không viết bất cứ cuốn sách truyền cảm hứng nào, cũng không phải một tỷ phú.
Ông gia nhập Facebook năm 2005. Trong khi Zuckerberg quản lý các dự án mở rộng của Facebook như Instagram, WhatsApp, Oculus Rift (thiết bị thực tế ảo), Cox đảm nhiệm phát triển Facebook. Ông cũng là người truyền lửa cho những nhân sự mới của công ty.
Cox thường có bài phát biểu chào mừng các nhân viên mới vào 9h sáng thứ 2 hàng tuần. Khoảng 12.000 nhân viên Facebook biết đến tên ông.
Với giới công nghệ, Cox được xem là Tổng biên tập đời sống số của người dùng Internet. Ông được biết đến như là cánh tay phải của Mark Zuckerberg - người cực kỳ khâm phục chỉ số IQ và EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc) của Cox. “Rất hiếm người có điểm số cao ở cả 2 chỉ số trên. Cox là một trong những người biến Facebook thành nơi đặc biệt”, Zuckerberg cho hay.
Ngoài đời, Cox trông giống một tay chơi keyboard trong ban nhạc với chiếc áo sơ mi luôn mở cúc trên cùng. “Tôi nghĩ một công ty tốt là công ty dám thử và buộc mình phải thử mọi việc. Người ta sẽ thực sự gặp vấn đề nếu họ không thành thật về thất bại của mình”, Cox quan niệm.
Các nhà nghiên cứu của Facebook bắt đầu dự án thay đổi nút Like bằng cách theo dõi phản hồi của người dùng với mỗi bài đăng: “haha”, “LOL”, “omg so funny” đều đi kèm với biểu tượng mặt cười, chẳng hạn. Sau đó, họ phân thành 6 nhóm biểu tượng và đặt tên là Reactions, gồm angry, sad, wow, haha, yay (sau đó bị loại bỏ) và love.
Facebook Reactions không loại bỏ nút Like. Nó chỉ là sự bổ sung. Nội bộ Facebook nổ ra những cuộc tranh cãi về việc bổ sung những biểu tượng mới có gây bối rối cho người dùng hay không. Zuckerberg có giải pháp cho việc này: chỉ hiển thị nút Like quen thuộc trên mỗi bài đăng, nếu một ai đó nhấn nút này lâu hơn, những lựa chọn khác sẽ xuất hiện.
Tháng 10 năm ngoái, dự án thử nghiệm bước vào giai đoạn hoàn thiện. Một vài tuần sau, nhóm nghiên cứu quyết định thử nghiệm Reactions tại Tây Ban Nha, Ireland, Chile, Philippines, Bồ Đào Nha và Colombia. Đầu tháng 1 vừa qua, Cox tiếp tục mở rộng Reactions sang Nhật Bản.
Cox cho biết, bài thử nghiệm lớn nhất cho Reactions diễn ra vào tháng 11/2015 trong vụ khủng bố Paris. Người dùng tại các nước thử nghiệm sử dụng nhiều biểu tượng khác nhau, thay vì chỉ nút Like. “Đó là cách Facebook mang đến trải nghiệm mới cho người dùng”, ông nói.