(GD&TĐ) - Hiện nay, nước mặn đã xâm nhập 65 km trên địa bàn Bến Tre. Hầu hết các nhánh sông, rạch trên địa bàn đều bị nhiễm mặn, tập trung nhiều ở các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri. Hàng ngàn hộ dân phải mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ, không hợp vệ sinh.
Nước mặn tấn công “đảo dừa”
Theo ngành NN&PTNT Bến Tre, năm nay nước mặn đến sớm hơn 2 tháng so với năm 2012, gây thiệt hại gần 60 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân là do năm nay nước thượng nguồn đổ về ít, trong khi gió chướng hoạt động mạnh, đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng. Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền khiến trên 63.000 hộ dân với hơn 258 ngàn nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt. Theo báo cáo của phòng NN&PTNT huyện Ba Tri, năm nay mặn đến sớm, lúa chưa kịp chín nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa và cây ăn trái. Toàn huyện có khoảng 600 ha lúa bị ngập mặn, tập trung nhiều ở xã Tân Xuân, Bảo Thuận, Bảo Thạnh. Toàn huyện đều bị nhiễm mặn, không có nước sinh hoạt…
Giá nước ngọt cao kỷ lục
Hàng ngàn hộ dân phải mua nước ngọt với giá đắt đỏ (Ảnh Internet) |
Ông Nguyễn Thành Sa - Phó phòng NN&PTNN Bình Đại cho biết: “Là huyện giáp biển nên tình hình nhiễm mặn trên địa bàn rất gay gắt. Cả 19 xã, 1 thị trấn đều bị nhiễm mặn”. Tại xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại thiếu nước sinh hoạt đã trở thành nỗi khổ thường xuyên nhiều năm nay. Trước đây, khi mùa nắng, mặn xâm nhập vào đất liền thì một số hộ dân đào giếng lấy nước ngọt bán cho các xe bồn chở cung cấp những hộ có nhu cầu. Mấy năm nay, nước lấy từ giếng cũng bị nhiễm mặn. Hiện nay, nước ngọt (có vị lợ) được các chủ xe bồn chở từ huyện về bán cho người dân các xã, nên giá cả cũng tùy thuộc xa hay gần. Nước ngọt được chủ giếng sử dụng máy bơm lấy từ lòng đất lên, vào ao lắng rồi bán cho các chủ xe bồn với giá 10.000 đồng/m3, sau đó chủ xe bồn bán lại cho người dân với giá 40.000 - 80.000/m3, tùy xa gần. Nhiều người ở xa, điện thoại 2 ngày xe bồn mới chở nước đến”.
Không hợp vệ sinh
Tại huyện Mỏ Cày Nam, nơi cách biển 40 km vẫn có trên 15.000 hộ dân đang thiếu nước ngọt sử dụng, chuyện chưa từng xảy ra từ địa phương này từ trước đến nay. Ông Trần Minh Thới - xã An Thới, nói: “Đa phần người dân sử dụng lu, kiệu, nước láng đìa. Nói chung cũng không đảm bảo vệ sinh, nhưng nó đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng”.
Tại các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú tình hình nghiêm trọng hơn với giá nước cao ngất ngưởng, mà nguồn nước không đảm bảo. Nhiều hộ nghèo phải sử dụng nước sông vừa nhiễm mặn vừa không đảm bảo vệ sinh.
Theo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, các mạch nước trên địa bàn tỉnh vừa yếu vừa kém chất lượng, do đó những nhà máy xử lý nước loại nhỏ, thiết bị xử lý nước còn hạn chế, không phát huy hiệu quả. Trong khi các dự án lớn, các dự án ngọt hóa vẫn chưa triển khai vì thiếu vốn. Vì vậy trong số 53 nhà máy cấp nước trên địa bàn phần lớn đã bị nhiễm mặn từ 1,8o%o - 2%o mà vẫn hoạt động để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện các ngành chức năng cũng đang đau đầu với tình hình nước biển xâm nhập, hi vọng năm nay mưa đến sớm để người dân xứ dừa không còn “khát” nước ngọt mùa khô”.
Kiều Ngân