Một mũi tên hai mục đích
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh trong bối cảnh thậm chí còn mang tính biểu tượng hơn tại Việt Nam, đất nước từng là kẻ thù của Mỹ, nay đã trở thành đối tác hòa bình.
Nhiều chuyên gia cho rằng rất có thể chính quyền ông Trump đang có kế hoạch “giới thiệu” với Triều Tiên về một mô hình như của Việt Nam, đồng thời nêu bật sự bùng nổ kinh tế cũng như mối quan hệ với Washington của Việt Nam kể từ khi áp dụng cải cách thị trường. Và để đạt được những điều đó, tất cả những gì Triều Tiên phải làm chỉ là từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã thúc đẩy Triều Tiên tiến hành cải cách kinh tế bằng cách đưa cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tới bất cứ doanh nghiệp khi nào ông đến thăm Trung Quốc. Theo ông Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng trong chính quyền Obama, chiến thuật tương tự cũng đã được sử dụng ở Mỹ. Trong lịch sử, đã có rất nhiều lần các quan chức cấp cao của Triều Tiên được đưa đến các phòng thí nghiệm công nghệ ở Thung lũng Silicon để họ tận mắt chứng kiến những thành tựu công nghệ của Mỹ.
Con đường trở thành đối tác
Có những lý do khiến cả Washington và Bình Nhưỡng quan tâm đến quan hệ Mỹ - Việt. Đối với Triều Tiên, đó là một ví dụ về một quốc gia theo đuổi chủ nghĩa xã hội với những cải cách nền kinh tế hiệu quả. Đối với Mỹ, đó là một ví dụ về việc cùng một lúc xác định lại mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội kinh tế.
Năm 1995 - thời điểm Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ - xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam trị giá lần lượt chỉ là 252 triệu và 199 triệu đô la. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng điều tra dân số Mỹ, trong 11 tháng đầu năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu hơn 8 tỷ đô la hàng hóa sang Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu trị giá 45 tỷ đô la.
“Con đường của Việt Nam, từ một kẻ thù đến một đối tác thân thiện của Mỹ đặc biệt hấp dẫn Triều Tiên, với niềm tin rằng mối quan hệ tốt với Mỹ có thể giúp tạo ra môi trường phù hợp và điều kiện cần thiết để đạt được động lực chiến lược mới của Triều Tiên trong phát triển kinh tế” - ông Tống Triệu, một thành viên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh phân tích.
Tất nhiên khái niệm này không mới. Trong thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Clinton, chuyên gia về châu Á Evans Revere cho biết: Các nhà đàm phán làm việc với Triều Tiên đã cố gắng hướng họ đến Việt Nam, nơi bắt đầu gặt hái những lợi ích của cải cách thị trường và trở thành một thành viên có uy tín trên trường quốc tế.
“Lúc đó, chúng tôi đã nghĩ rằng điều này sẽ thu hút được Triều Tiên và rằng các cam kết của chúng tôi về hợp tác với họ trong việc mang lại một nền kinh tế hiện đại hóa sẽ rất hấp dẫn..., rằng họ sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng tôi đã sai lầm”, ông Revere nói.
Hy vọng một thỏa thuận hạt nhân
“Nếu tất cả những khuyến khích hoặc cách tiếp cận với mục đích này để hướng Triều Tiên đi theo một con đường mới đã thành công, cũng không ngăn được việc họ phát triển vũ khí hạt nhân, thì cũng chẳng hy vọng nó có tác động trong lần này”, ông Revere nhận định.
Nhiều người chỉ trích ông Trump và các cố vấn vì đã không thể thuyết phục Triều Tiên đồng ý với bất cứ điều gì cụ thể trong cuộc họp tháng 6/2018 tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, khi lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một tổng thống Mỹ cùng ngồi lại bên nhau.
Mặc dù vậy, Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán đã đưa hai bên trở lại từ bờ vực chiến tranh và tạo ra một cơ hội chưa từng có cho một thỏa thuận. Một số ít các nhà phân tích tin rằng thực sự có một thỏa thuận, nhưng cũng đặt câu hỏi liệu một trong hai bên có linh hoạt đủ để thỏa hiệp hay không.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán đã làm giảm căng thẳng trong một năm và làm chậm tiến độ của kho vũ khí. “Nhiệm vụ” của ông Trump bây giờ là biến những giới hạn đó thành những giới hạn nghiêm ngặt và vĩnh viễn.