Bế mạc Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bế mạc Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(GD&TĐ)-Chiều 7/1, Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau 4 ngày làm việc. 

vhbj
Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 và tiêu chí, định mức, phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội; các cơ quan soạn thảo Luật, tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý những nội dung đã được góp ý, trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Tại phiên họp lần thứ 37 diễn ra trong 4 ngày qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiểm toán độc lập, Luật Thủ đô, Luật biển Việt Nam, Luật Cơ yếu; Xem xét, thông qua Nghị quyết công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2010; Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII; và cho ý kiến về sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 và định mức, phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2011, Quốc hội cho phép phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư dự án, công trình, trong đó ưu tiên tập trung cho những dự án giao thông, thủy lợi cấp bách và các công trình y tế, giáo dục cho các địa phương nghèo, vùng bão lũ… giúp các địa phương, đặc biệt là các vùng khó khăn vươn lên, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc phân bổ vốn giữa các vùng, các địa phương còn chưa hợp lý, có địa phương bố trí vốn quá thấp, có địa phương bố trí quá cao. Do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh giảm 900 tỷ đồng ở một số địa phương có mức bố trí trên 1.000 tỷ đồng để điều chỉnh tăng cho một số địa phương nghèo ở các vùng khó khăn được bố trí dưới 100 tỷ đồng nhằm giảm mức chệnh lệch quá lớn tại các đại phương.

Một số ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các dự án kém hiệu quả để đưa ra ngoài danh mục đầu tư, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư đối với các dự án tăng quá cao. Đồng thời, lựa chọn một số dự án thật sự cấp bách, cần thiết, tạo động lực phát triển kinh tế vùng, miền của địa phương… để bổ sung vào kế hoạch 2011 và bố trí một phần vốn để chuẩn bị đầu tư có tính chất liên thông cho các năm tiếp theo.

Về tiêu chí, định mức, phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2011, Quốc hội quyết định thực hiện 15 chương trình mục tiêu quốc gia như: việc làm, giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, y tế... Tổng số vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 38,8% so với dự toán năm 2010 và chiếm 2,02% tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2011.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị Chính phủ bổ sung thêm về căn cứ để bố trí vốn cho từng chương trình mục tiêu quốc gia. Việc bố trí vốn phải căn cứ vào tính cấp thiết, quy mô, khối lượng công việc phải làm cho từng công trình để bố trí cho hợp lý.

Theo đó, cần tập trung vào địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm và chỉ phân giao cụ thể khi xác định rõ được tiêu chí và định mức; trong quá trình phân bổ sử dụng hạn chế tối đa các khoản chi trùng nhau trong chương trình mục tiêu quốc gia; đối với chương trình, mục tiêu quá rộng cần xác định tập trung nội dung, mục tiêu chính, các mục tiêu còn lại sẽ bố trí sau...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngay sau phiên họp, các Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban và các đơn vị triển khai theo kết luận của Phiên họp và chuẩn bị cho phiên họp thứ 38, dự kiến sẽ diễn ra từ 14-19/2 tới để xem xét các vấn đề liên quan đến chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.

Ngọc Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.