Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự và dự án Luật Trọng tài thương mại.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thi hành án hình sự đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án treo; các biện pháp tư pháp... Để bảo đảm sự thống nhất với Luật Thi hành án dân sự, dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản trong bản án hình sự. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, huyện trong việc tạo điều kiện hỗ trợ các hoạt động giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm đối với những người chấp hành xong hình phạt tù; quy định chi tiết về các trường hợp được hoãn thi hành án tử hình. Về hình thức thi hành án tử hình, cơ quan soạn thảo trình QH hai phương án là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc với quy trình thực hiện do Chính phủ quy định và thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn.
Phiên họp thứ Ba mươi, UBTVQH đã bế mạc sau 7 ngày làm việc. |
Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật. Về hình thức thi hành án tử hình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, chỉ nên trình QH một phương án là thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Vì, việc thi hành án tử hình bằng xử bắn đã bộc lộ nhiều bất cập như pháp trường tổ chức thi hành án, áp lực tâm lý đối với cán bộ trực tiếp thi hành án… Thời hạn áp dụng hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là 1 năm kể từ ngày Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành - Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận đề nghị - trong thời gian chưa áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, việc thi hành án tử hình vẫn được thực hiện bằng hình thức xử bắn theo quy định hiện hành.
Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, nên tiếp tục giữ hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn vì hiện nay các điều kiện chuẩn bị để thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc chưa đầy đủ. Để triển khai được hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc, trước hết Chính phủ cần có thời gian để triển khai thử nghiệm, sau đó mới tính đến việc có thể quyết định có áp dụng đại trà hình thức này hay không.
Về thẩm quyền của UBND cấp xã và công an xã, dự thảo Luật quy định UBND cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn là giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; tước một số quyền công dân và án treo theo quy định của pháp luật. Công an xã tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An nin Lê Quang Bình đề nghị, không quy định UBND cấp xã giám sát những người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, bởi nhiệm vụ chính của UBND là điều hành, kiểm tra, thanh tra, còn giám sát là chức năng của HĐND, của nhân dân (thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc). Hơn nữa, theo Pháp lệnh Công an xã hiện hành, nhiệm vụ giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ… đã được giao cho Công an xã - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề - dẫu rằng, Luật có giá trị pháp lý cao hơn Pháp lệnh, nhưng quy định như vậy có bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật không? Giải trình về nội dung này, với tư cách cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ban cho rằng, UBND cấp xã có vai trò trực tiếp quản lý công dân tại địa bàn cư trú, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định UBND cấp xã là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người phải chấp hành các hình phạt này. Nếu giao công an xã thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ… sẽ phải bổ sung lực lượng, gây phình bộ máy hành chính.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật Trọng tài thương mại đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về trọng tài; giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; điều kiện và thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài; căn cứ hủy phán quyết trọng tài; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài, tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam; tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài…
Về việc tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại Điều 71, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, quy định Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài gồm 3 thẩm phán, trong đó có 1 thẩm phán làm chủ tọa. Quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Trường hợp phán quyết của Tòa án có sai sót làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên đương sự, được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị sẽ được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Cho rằng, quy trình này có phần rườm rà, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị, không nên đặt ra quá nhiều cơ chế đối với hoạt động trọng tài, vì đôi khi sẽ làm bóp méo vấn đề cần giải quyết. Không đồng thuận với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Thu Ba - cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Luật – cho rằng: giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tức là tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài thực ra chỉ là sự xem xét về hình thức, chứ không đi sâu vào nội dung. Do vậy, vẫn bảo đảm nguyên tắc việc tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài không làm thay đổi phán quyết của trọng tài. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ là van an toàn trong trường hợp xảy ra sự không vô tư, khách quan hoặc cố tình kéo dài thời gian không thực hiện phán quyết của trọng tài.
Quang Anh