Trước đó, vào buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các Ủy viên UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 2 dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và Luật An toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trong buổi thảo luận về Luật An toàn thực phẩm (ảnh: chinhphu.vn) |
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu và đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự án Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm các chính sách, biện pháp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân ở khâu sử dụng năng lượng; nhiệm vụ xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; quản lý, khai thác, sử dụng một cách hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, các Chương Điều được bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề trong sử dụng, quy hoạch khai thác, sản xuất năng lượng. Bên cạnh đó, các quy định trong dự thảo Luật vẫn chung chung, mang dáng dấp của khẩu hiệu, chính sách. Tính bắt buộc của dự luật không cao nên khó thực hiện mục đích bắt buộc mọi người phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, cũng như bảo đảm tính khả thi của Luật.
Về chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị luật hóa chương trình này nhưng chỉ cần quy định một số nhiệm vụ lớn, trách nhiệm xây dựng, phê duyệt Chương trình; còn các nội dung cụ thể sẽ giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh đã trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật An toàn thực phẩm. Báo cáo đã nêu rõ những sửa đổi, bổ sung về quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với với thực phẩm sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; ghi nhãn đối với sản phẩm biến đổi gen; thanh tra chuyên ngành với an toàn thực phẩm; phân công trách nhiệm của các Bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Về phân công trách nhiệm của các Bộ trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án khác nhau. Thứ nhất, quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với một số nhóm sản phẩm thực phẩm mà các Bộ đã có kinh nghiệm và thực tiễn quản lý. Các vấn đề còn có sự giao thoa, chồng lấn trách nhiệm giữa các Bộ thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Thứ hai, chỉ quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực này và giao Chính phủ phân công cụ thể.
Nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành với phương án thứ nhất, nhưng yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, để giảm sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Bưu chính, dự án Luật Người khuyết tật.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với những sửa đổi, bổ sung của dự án Luật về dịch vụ bưu chính công ích; kiểm tra, xử lý bưu gửi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại; cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã. Trong đó, việc quy định chỉ định một doanh nghiệp Nhà nước làm nhiệm vụ bưu chính công ích và được hưởng một số chính sách đặc thù là phù hợp với thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, Công ước Liên minh Bưu chính thế giới mà nước ta là thành viên đã yêu cầu phải bảo đảm quyền được trao đổi thông tin thiết yếu, tiếp cận, sử dụng dịch vụ bưu chính cơ bản của công dân.
Về dự án Luật Người khuyết tật, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ trong việc đưa người nước ngoài vào đối tượng điều chỉnh của Luật. Quy định như vậy thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người và không ảnh hưởng tới khả năng thực thi từng chính sách cụ thể bởi Chính phủ sẽ quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện cho từng loại đối tượng được thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo đã thống quy định 3 hạng khuyết tật (hạng một, hạng hai và hạng ba), trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc phân hạng khuyết tật giao cho Chính phủ; cách xác định những người khuyết tật được hưởng bảo trợ xã hội... Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đề nghị UBTVQH cho ý kiến đối với hai phương án quy định sử dụng lao động khuyết tật. Bởi quy định theo hướng khuyến khích hay bắt buộc doanh nghiệp sử dụng lao động đều có những mặt tích cực, hạn chế. Hơn nữa, thực tiễn 10 năm thực thi Pháp lệnh Người tàn tật chưa có cơ sở để xem xét đầy đủ về vấn đề này.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với các quy định đã được sửa đổi, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Về việc sử dụng lao động là người khuyết tật, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, chỉ nên bắt buộc sử dụng lao động là người khuyết tật đối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thuộc khu vực công, còn các doanh nghiệp khác không nhận đủ tỷ lệ người khuyết tật thì có thể đóng góp vào Quỹ việc làm. Và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp khác nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật làm việc được ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện làm việc và kinh phí dạy nghề tại doanh nghiệp theo số người khuyết tật tuyển dụng vào làm việc.
Quang Anh