Bé gái gầy trơ khung xương gây chấn động về nạn đói ở Yemen

Bé gái gầy trơ khung xương (7 tuổi) qua đời tại một trại tị nạn sau những ngày được điều trị vì chứng suy dinh dưỡng nặng.

Bé gái gầy trơ khung xương gây chấn động về nạn đói ở Yemen
Bức ảnh chụp cơ thể chỉ còn da bọc xương của Amal Hussain. Ảnh: New York Times.

Bức ảnh chụp cơ thể chỉ còn da bọc xương của Amal Hussain.

"Trái tim tôi đã tan vỡ. Amal luôn luôn mỉm cười. Bây giờ tôi rất lo lắng cho những đứa con khác còn lại", Mariam Ali - mẹ của bé gái gầy trơ khung xương Amal Hussain chia sẻ với New York Times hôm 1/11.

Bé gái 7 tuổi qua đời vì chứng suy dinh dưỡng nặng tại một trại tị nạn cách bệnh viện lưu động của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở Aslam, Yemen hơn 6 km.

Amal trở thành biểu tượng cho nạn đói ở Yemen khi bức ảnh chụp cơ thể chỉ còn da bọc xương của bé được phóng viên Tyler Hicks của New York Times đăng tải hôm 18/10 và nhanh chóng thu hút sự chú ý trên toàn cầu.

Amal bị suy dinh dưỡng nặng nhưng gia đình không đủ tiền đưa em đến bệnh viện Bác sĩ Không biên giới cách đó 24 km. Tại bệnh viện lưu động của UNICEF, Amal liên tục nôn mửa và tiêu chảy. Bé được cho ăn hai tiếng một lần nhưng không tiến triển gì.

Amal được xuất viện để nhường chỗ cho những bệnh nhân mới. Gia đình đưa Amal về trại tị nạn song tình trạng của bé liên tục xấu đi và qua đời ba ngày sau đó. 

Cuộc xung đột ở Yemen bùng nổ cách đây ba năm giữa liên quân do Arab Saudi được Mỹ ủng hộ dẫn đầu, và phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ, đã tàn phá đất nước và khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng.

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến khi hơn 7 triệu em phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp và 400.000 trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.

Người phụ nữ ôm đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nặng tại bệnh viện lưu động của UNICEF ở Aslam, Yemen. Ảnh: AP.

Người phụ nữ ôm đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nặng tại bệnh viện lưu động của UNICEF ở Aslam, Yemen.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết cuộc xung đột đã đẩy 12 triệu người Yemen vào nguy cơ chết đói. Công tác viện trợ lương thực bị gián đoạn do giao tranh thường xuyên xảy ra tại các bến cảng. Tình trạng này có thể tiếp diễn thành nạn đói nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo tuần trước đã kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, thừa nhận rằng liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đã tham gia vào vụ đánh bom dân thường.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ