Bẫy bầu cử chờ Boris Johnson

GD&TĐ - Hôm thứ Tư (4/9), Hạ viện Anh tiếp tục cuộc đối đầu với Thủ tướng Boris Johnson, người không che giấu quyết tâm đưa Vương quốc Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10, nếu Brussels không nhượng bộ. 

Hạ viện Anh tước quyền kiểm soát về vấn đề Brexit của ông Boris Johnson. Ảnh: Reuters
Hạ viện Anh tước quyền kiểm soát về vấn đề Brexit của ông Boris Johnson. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, các nghị sĩ Anh thông qua một đạo luật cho phép tước cơ hội thực hiện kịch bản Brexit thảm khốc của Thủ tướng và nội các của ông và giữ Anh ở lại EU cho đến cuối tháng 1/2020.

Thất bại cay đắng của Boris Johnson

Liên minh giữa các đảng đối lập và một nhóm những người bảo thủ nổi loạn đã đánh bại ông Boris Johnson. Sử dụng cái gọi là quy tắc 24, một cuộc tranh luận khẩn cấp đã được tiến hành tại Hạ viện, trong đó có dự luật buộc Thủ tướng phải tìm cách hoãn Brexit nếu nội các không đạt được thỏa thuận ly hôn với Brussels vào ngày 31/10. Trong cuộc bỏ phiếu tối hôm đó, những người ủng hộ sáng kiến lập pháp này đã cố gắng đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết từ các nghị sĩ và bảo đảm rằng Hạ viện được trao quyền kiểm soát chương trình nghị sự của Quốc hội vào ngày 4/9 (328 đại biểu đã bỏ phiếu ủng hộ, 301 chống lại). Điều này có nghĩa là các đối thủ của Brexit cứng đã thực hiện bước đi đầu tiên để ngăn chặn một kịch bản có thể xảy ra khi rời EU mà không có thỏa thuận.

“Tôi không muốn thực hiện bước đi này, nhưng nếu các nghị sĩ Quốc hội bỏ phiếu vào ngày mai để đình chỉ các cuộc đàm phán và yêu cầu Brussels trì hoãn thì đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự phát triển của một kịch bản như vậy. Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị tài liệu vào tối nay” - Thủ tướng Anh nói ngay sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu và nhấn mạnh rằng ông không có sự lựa chọn nào khác.

Chiến lược của ông Johnson là kết thúc một thỏa thuận với Brussels cho Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của EU (17 - 18/10) và thực hiện Brexit trước ngày 31/10. Theo ông, chính phủ Anh đã đạt được những tiến bộ đáng kể và sẽ thành công trong việc loại bỏ cơ chế chặn hàng hóa ở biên giới Ireland. Ông kêu gọi các đại biểu từ chối dự luật này vì sẽ trói tay và làm suy yếu vị thế thương lượng của London.

Đáp lại lời tuyên bố của Thủ tướng Johnson rằng tiến trình đã được thực hiện trong các cuộc đàm phán, EU cho biết, các cuộc thảo luận sẽ “không đi đến đâu”. Họ cảnh báo rằng, cuộc tổng tuyển cử sớm ở Anh sẽ dẫn đến việc dừng hoàn toàn các cuộc đàm phán.

Như BBC đưa tin, hôm thứ Tư, ông Johnson đã đệ trình kiến nghị lên Nghị viện để xin phép “tổng tuyển cử sớm”.

Johnson tự đưa mình vào cái bẫy

Trò chuyện với tờ Nezavisimayay Gazeta, ông Nikolai Topornin, Phó Giáo sư Luật châu Âu tại MGIMO (Nga) lưu ý đến sự phức tạp của tình huống mà Thủ tướng Anh đưa ra.

“Ông Johnson đã tự lái mình vào một cái bẫy. Ông ta biết mình đang làm gì, nhưng giờ ông ta không ngại tổ chức bầu cử, mặc dù không muốn. Tôi nghĩ ông ta sẽ đi như một chiếc xe tăng đến đích cuối cùng. Nhưng nếu ông ta có đủ áo giáp để che chắn tất cả những khẩu pháo bắn vào ông ta? Hãy chờ xem” – PGS Nikolai Topornin nhận định.

Topornin giải thích rằng, người đứng đầu phe bảo thủ hẹn ngày bầu cử có thể vào 15/10 với những lý do sau:

Thứ nhất, vì Quốc hội sẽ không hoạt động cho đến ngày 14/10 và Johnson có cơ hội làm việc bình tĩnh hơn.

Thứ hai, vào ngày 17/10, Hội nghị Thượng đỉnh Brexit của EU có điều kiện sẽ được tổ chức. Và nếu, chẳng hạn, ông Johnson thắng vào ngày 15, sau đó ông ta bình tĩnh đến Brussels và tuyên bố với các nhà lãnh đạo EU: Bây giờ tôi quyết định tất cả các vấn đề. Theo đó, vào ngày 31/10, chúng tôi rời EU mà không có thỏa thuận.

Tờ Times dẫn kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện bởi dịch vụ xã hội học YouGov khẳng định, chỉ 1/3 người Anh ủng hộ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm. Đồng thời, trong trường hợp bầu cử sớm, khoảng 35% cử tri sẽ bỏ phiếu cho đảng cầm quyền, và 25% cho đảng Lao động. 16% số người được hỏi sẽ ủng hộ đảng Dân chủ Tự do. Đảng Brexit và Đảng Xanh sẽ lần lượt nhận được 13 và 8% phiếu bầu.

Trước đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Michael Pence, người đang có chuyến thăm tới Ireland, nói rằng Washington ủng hộ quyết định của Vương quốc Anh rời khỏi EU, nhưng đồng thời nhận ra sự tồn tại của một trở ngại nghiêm trọng ở biên giới Ireland. Ông lưu ý rằng, Hoa Kỳ sẽ thúc giục London, Dublin và Brussels tiếp tục đàm phán để đạt được sự đồng thuận rằng, tôn trọng chủ quyền của Vương quốc Anh cũng như các điều khoản của Thỏa thuận Belfast (Thỏa thuận thứ Sáu Tốt lành), vào năm 1998 góp phần chấm dứt nhiều năm đổ máu ở Ulster.

Cuộc chiến vì Brexit ở Anh hứa hẹn nhiều kịch tính trong những ngày tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...