Bầu cử ở Afghanistan: Gia tăng bạo lực và trục trặc kỹ thuật

GD&TĐ - Theo Ủy ban Bầu cử Độc lập Afghanistan, đã có hơn 4 triệu cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan trong bối cảnh bạo lực và nhiều trục trặc trong các vấn đề hậu cần.  

Nữ cử tri ở tỉnh Harat chờ bỏ phiếu
Nữ cử tri ở tỉnh Harat chờ bỏ phiếu

“Đau đẻ chờ sáng giăng”

Cuộc bầu cử phải được kéo dài thêm một ngày do các mối đe dọa an ninh từ phía Taliban và các vấn đề hậu cần, khiến hàng trăm ngàn người không thể bỏ phiếu vào thứ Bảy vừa qua. Vào ngày Chủ nhật, có tới một triệu người Afghanistan trở lại 76 trung tâm bỏ phiếu trên 22 tỉnh của quốc gia. Bốn triệu cử tri đại diện cho một nửa số người bỏ phiếu đủ điều kiện trong nước. Cuộc bầu cử này cũng chứng kiến một số lượng người trẻ chưa từng có đang tranh giành cho 250 ghế Hạ nghị viên, được gọi là Wolesi Jirga.

Cuộc bầu cử đầu tiên trong tám năm này đã diễn ra sau ba năm trì hoãn do các vấn đề an ninh và các cuộc tranh đấu chính trị về các biện pháp cải cách bầu cử. Cuộc thăm dò cuối tuần này, đánh dấu sự ra đời của các thiết bị sinh trắc học tại các trung tâm bỏ phiếu, cũng là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, bị cản trở bởi những cáo buộc gian lận phổ biến và kéo dài trong vài tháng.

Theo các quan chức địa phương, ít nhất 28 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực trên khắp Afghanistan khi người dân đi bỏ phiếu hôm thứ Bảy. Tổng cộng cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua, cử tri ở 32 trong số 34 tỉnh của quốc gia đã bỏ phiếu. Tỉnh phía Nam Kandahar có khả năng sẽ tổ chức bỏ phiếu vào tuần tới, do ngay trước bầu cử 2 ngày, Taliban đã tấn công vào địa phương này khiến một quan chức cao cấp là tướng Abdul Raziq thiệt mạng. Tỉnh Ghazni ở phía Đông Afghanistan cũng phải hoãn bỏ phiếu do vấn đề an ninh và hậu cần. Tỉnh Ghazni tạm thời không có lịch bỏ phiếu lại.

Tổng thống Ashraf Ghani đã phát biểu cảm ơn người dân Afghanistan, nhất là các nữ cử tri, vì họ đã tham gia bầu cử, bất chấp những rủi ro về an ninh.

Bạo lực bầu cử

Cuộc bầu cử đã diễn ra trong tình trạng bạo lực nổ ra liên miên, khiến 17 thường dân, 10 nhân viên cảnh sát và một sĩ quan quân đội bị giết. Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Wais Ahmad Barmak cho biết đã có ít nhất 192 vụ việc tương tự, khiến hàng chục người bị thương, trong đó có một vụ đánh bom liều chết tại một điểm bỏ phiếu ở Kabul, số người thương vong chưa được thống kê; một vụ nổ tại một điểm bỏ phiếu khác ở Kabul đã giết chết một trẻ em và làm bị thương 36 người khác...

Phần lớn phụ nữ đã tham gia bầu cử. Hàng trăm phụ nữ và thanh niên là ứng cử viên đứng ra tranh cử, mang tới một niềm hy vọng cho việc “đại tu” hệ thống chính trị tham nhũng và không hiệu quả ở Afghanistan.

Trước đó, Taliban đã cảnh báo người Afghanistan không được tham gia vào cuộc bỏ phiếu và gọi cuộc bỏ phiếu này là “một dự án của Mỹ từ đầu đến cuối”.

Hàng loạt trục trặc kĩ thuật

Một số địa điểm bỏ phiếu và các trung tâm kiểm phiếu đã gặp nhiều trục trặc trong các vấn đề kỹ thuật. Ông Israr Karimzai, một nhà quản lý chiến dịch tiết lộ ông nhận được tới 20 báo cáo về các trung tâm khác nhau trên toàn quốc có trục trặc do “không có lá phiếu hoặc không có thiết bị sinh trắc học hoặc nhân viên bầu cử nào”.

Nhiều cử tri phải chờ đợi hàng giờ mà điểm bỏ phiếu ở khu vực của họ vẫn chưa vận hành được. Sharifullah Hotak, người đứng đầu hội đồng bỏ phiếu cấp tỉnh ở Maidan Wardak, cho biết toàn bộ hệ thống sinh trắc học tại các trung tâm bỏ phiếu ở tỉnh này không hoạt động. Ở Herat, hàng trăm người đang đứng xếp hàng vì các trạm bỏ phiếu cũng gặp phải các vấn đề kỹ thuật.

Hơn 20.000 trạm bỏ phiếu đã được mở rộng trên toàn quốc, ngoại trừ các tỉnh Kandahar và Ghazni, nơi diễn ra cuộc bầu cử vào một ngày sau đó. Khoảng 70.000 thành viên lực lượng Afghanistan đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho các điểm bầu cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ