Bắt “thượng đế” phải tự chống kẻ gian

GD&TĐ - Trước việc hàng loạt tài khoản của khách hàng Agribank bị hacker rút tiền, Ngân hàng này đã đưa ra khuyến cáo đề nghị khách hàng phải tự biết cách bảo quản tài khoản của mình. Điều này đang làm cho dư luận không khỏi bức xúc bởi sự “bất lực” của ngân hàng trước kẻ gian, và họ đẩy trách nhiệm cho khách hàng.

Ngân hàng khuyến cáo trước khi thực hiện giao dịch tại máy ATM, khách hàng cần quan sát kỹ để phát hiện những dấu hiệu đáng nghi như bị gắn camera quay lén hoặc thiết bị lấy cắp thông tin thẻ. Ảnh: theo Vnexpress
Ngân hàng khuyến cáo trước khi thực hiện giao dịch tại máy ATM, khách hàng cần quan sát kỹ để phát hiện những dấu hiệu đáng nghi như bị gắn camera quay lén hoặc thiết bị lấy cắp thông tin thẻ. Ảnh: theo Vnexpress

Vụ hàng loạt tài khoản ATM của ngân hàng Agribank bị kẻ gian móc tiền xảy ra vào ngày 25/4 vừa qua đã làm cho những người sử dụng thẻ ATM bất an. Bởi tiền trong thẻ ATM sẽ chẳng còn an toàn, và đây không phải là trường hợp cá biệt của riêng Agribank, mà chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra ở nhiều ngân hàng khác.

Chỉ có khác biệt là Agribank nhận ngay trách nhiệm bồi thường chứ không tìm cách đổ lỗi cho “thượng đế” như đã từng xảy ra ở một số ngân hàng khác.  

Để trấn an các chủ thẻ ATM trước nạn móc trộm tiền trong thẻ ATM, Agribank đã đưa ra thông báo: “Để hạn chế các trường hợp bị lợi dụng, ăn cắp thông tin, Agribank khuyến cáo khách hàng làm tốt công tác bảo quản thẻ và bảo mật mã PIN, thực hiện đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile Banking/thông báo biến động số dư tài khoản”.

Nội dung thông báo này cũng nhắc nhở khách hàng rằng: “Trường hợp có dấu hiệu bất thường, khách hàng có thể chủ động khóa thẻ ngay tại ứng dụng  Agribank E-Mobile Banking và kịp thời thông báo cho Agribank để phối hợp xử lý”.

Agribank cũng gửi lời xin lỗi và rất mong nhận được sự chia sẻ của các khách hàng về sự việc xảy ra. Cam kết sẽ ngày càng hoàn thiện dịch vụ để gia tăng tiện ích và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Giải thích nguyên nhân khách hàng của Agribank bị rút trộm tiền, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó TGĐ của ngân hàng này đã cho biết trên báo Giao thông(ngày 27/4) rằng: “Có khả năng thẻ của khách hàng rút tiền tại ATM đã bị cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thông tin của thẻ, dẫn tới một số thẻ đã bị phát hành thẻ giả và bị lợi dụng sử dụng để rút tiền trong đêm 25/4”.

Bà Phượng cũng khuyến cáo khách hàng phải tự bảo mật thông tin thẻ của mình, hạn chế giao dịch tại thiết bị công cộng(?!).

Với những thông tin nêu trên của bà Phó TGĐ Agribank cho thấy, việc các cây ATM của ngân hàng này bị “hacker” cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thông tin của khách hàng, phía ngân hàng đã biết, nhưng dường như không có giải pháp khắc phục?.

Được biết, bên trong mỗi cây ATM đều có lắp đặt các camera giám sát chặt chẽ. Mọi hành động của người vào rút tiền đều được kiểm soát thì tại sao kẻ gian có thể vào đó mà cài thiết bị sao chép mà hệ thống bảo vệ của ngân hàng không hề hay biết? Phải chăng hệ thống này cũng đã có những kẽ hở an ninh, hoặc các camera chỉ lắp... cho có.

Điều mà các chủ thẻ ATM bức xúc là làm sao họ có thể “chống chọi” lại được việc các cây ATM đã bị hacker cài đặt thiết bị sao chép như lời khuyến cáo của phía ngân hàng, khi mà trách nhiệm bảo đảm an toàn tại các cây ATM là của ngân hàng.

Bước vào cây ATM, khách hàng trước khi đưa thẻ vào rút tiền một cách đàng hoàng cũng không thể làm các thao tác kiểm tra như: quan sát chi tiết máy; dò dẫm tìm sự bất thường ở khe đút thẻ có lỏng lẻo hay không; có dấu vết của keo dính; dùng móng tay kiểm tra bàn phím để tìm lớp bàn phím khác vv... hay nhìn ngó để tìm xem còn có camera nào khác mà không phải của ngân hàng đang theo dõi để lấy cắp thông tin (!). Bởi với những thao tác kiểm tra như vậy sẽ khác thường với việc vào ATM rút tiền, dễ bị hiểu lầm và thậm chí còn có thể bị gây phiền toái, sẽ bất lợi cho các “thượng đế” của ngân hàng.

Vậy nhưng, Agribank thay vì tìm ra giải pháp tối ưu để bảo đảm an toàn cho các “thượng đế” sử dụng thẻ ATM, thì lại khuyến cáo khách hàng của mình phải tự bảo mật thông tin thẻ theo những cách mà ngân hàng đưa ra.

Điều này có khác gì việc ngân hàng đang tự nhận mình chỉ có chức năng giữ tiền mà không có biện pháp bảo vệ tiền cho khách hàng. Và như vậy, khác nào phía ngân hàng bỏ mặc cho “thượng đế” của mình phải tự đối phó với những thủ đoạn trộm cắp của loại tội phạm công nghệ cao.

Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, việc nhận diện chủ nhân của thiết bị điện tử đang được các nhà sản xuất phổ biến bằng cách dùng vân tay, gương mặt, giọng nói... Vậy mà hệ thống ATM của ngân hàng vẫn còn phải nhận diện “thượng đế” bằng cách nhập mật khẩu cơ học theo cách lỗi thời thông qua thao tác bấm từng số trên bàn phím.

Cách làm như thế thì làm sao có thể phòng chống được các đối tượng tội phạm trong thời buổi công nghệ cao như hiện nay?

Mong rằng Agribank cũng như các ngân hàng sớm từ bỏ tư duy bắt “thượng đế” của mình phải tự phòng chống kẻ gian ở các cây ATM, và đưa ra giải pháp công nghệ thích hợp để bảo vệ an toàn cho khách hàng khi gửi tiền trong thẻ ATM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.