Trong khi cả nước có hàng nghìn sản phẩm thuốc thú y được lưu hành với số lượng cửa hàng lớn, thì chính quyền địa phương lại chưa siết chặt việc quản lý dẫn đến nhiều vi phạm và diễn biến ngày càng phức tạp khó kiểm soát.
Nhiều bất cập trong quản lý
Hội thuốc thú y Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 58 công ty sản xuất, phân phối với 6.768 loại thuốc có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành và hơn 3.000 loại thuốc của 40 nước nhập khẩu.
Trong đó có gần 2.000 loại có chứa hoạt chất kháng sinh. Mỗi tỉnh trung bình có khoảng gần 200 cửa hàng thuốc thú y. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố chưa quản lý được các loại thuốc được phép lưu hành, đặc biệt là các xã, thị trấn.
Theo đại diện Hội thuốc thú y Việt Nam, dù Bộ NN&PTNT đã áp dụng tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP) đối với việc sản xuất, kinh doanh thuốc thú y nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập.
Một số cơ sở sản xuất chưa có bộ phận quản lý chất lượng, chưa thực sự quan tâm đầu tư trang thiết bị và chưa đào tạo cán bộ đủ trình độ chuyên môn nên chưa kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm.
Việc kiểm tra chất lượng ở nhiều nơi chỉ bằng cảm quan và một số chỉ tiêu lý, hóa đơn giản. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, thiết bị sản xuất lạc hậu, dẫn tới chất lượng thuốc còn hạn chế.
Dù thị trường thuốc thú y đang rất bát nháo, nhưng việc quản lý ở cơ sở còn lỏng lẻo, dẫn tới việc một số cửa hàng kinh doanh lén lút bán các loại thuốc ngoài danh mục.
Theo khảo sát của Hội Thuốc thú y Việt Nam, có hơn 60% cửa hàng bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng. Các loại hóa chất, kháng sinh Eprofloxacin, Ofloxacin, nhóm Furazolidon, Ciprofloxacin... đã bị cấm từ lâu nhưng vẫn được bày bán công khai.
Dù việc sử dụng chất cấm làm tăng trọng vật nuôi rất nguy hiểm cho người tiêu dùng, nhưng do thiếu hiểu biết, lại hám lợi nên một số hộ dân vẫn mua, trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm...
Rõ ràng, một mặt hàng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dùng nếu chúng được sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, liều lượng... trong chăn nuôi, tạo ra những thành phẩm vật nuôi không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng việc quản lý rất lỏng lẻo là điều không thể chấp nhận.
Cần chế tài mạnh
Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện công tác quản lý các cơ sở buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chưa được thực hiện theo đúng quy định, trong khi việc xử lý vi phạm trong hoạt động buôn bán, hành nghề chuyên môn khám chữa bệnh cho gia súc, gia cầm còn nhiều bất cập.
Cụ thể, xử lý các cơ sở buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi vi phạm chủ yếu bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo nên rõ ràng chưa đủ sức răn đe...
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã kiểm tra gần 50 tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi bổ sung... đã phát hiện lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính hơn chục trường hợp với số tiền lên tới gần 200 triệu đồng với các hành vi:
Không có giấy đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y, kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y; kinh doanh thuốc thú y không có trong danh mục thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam...
Để kiểm soát hiệu quả thị trường thuốc thú y, Nhà nước cần rà soát và loại bỏ các loại thuốc thú y chất lượng kém cùng với nâng cao vai trò thông tin và phổ biến kiến thức của hệ thống dịch vụ thú y công; đặc biệt, siết chặt khâu đăng ký và kiểm soát việc giới thiệu các loại thuốc thú y mới.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường rà soát các đại lý kinh doanh thuốc thú y tại xã, phường, thị trấn và yêu cầu các cửa hàng chấp hành đầy đủ quy định về buôn bán thuốc thú y; nếu phát hiện vi phạm, cần tịch thu giấy phép kinh doanh hoặc tiêu huỷ các loại thuốc kém chất lượng, quá hạn, không trong danh mục cho phép...
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y trong nước để từng bước sản xuất được các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh nhằm giảm giá bán.
Đối với các loại vắc xin phòng các loại bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng... cần có chiến lược đầu tư, tập trung kinh phí cho nghiên cứu khoa học để thời gian tới có thể sản xuất được loại vắc xin này...