Các thí sinh sau giờ thi |
Lịch sử vốn là nỗi lo của các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT , do đặc điểm đây là môn thi chủ yếu lý thuyết, phải ghi nhớ nhiều mốc sự kiện. Với môn học này, học sinh không thể học theo kiểu “nhớ mang máng” mà có thể đạt điểm.
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên cho thấy, các bạn học sinh sau khi kết thúc môn thi Lịch sử tại cụm trường THCS Trưng Vương, THPT Việt Đức và THPT Trần Phú đều thở phào nhẹ nhõm, khẳng định mình có thể đạt điểm 7.
Nguyễn Lan Phương, học sinh trường THPT Việt Đức nói: Em rất thích kiểu ra đề này. Đề ngắn, phần nhiều yêu cầu giải thích, trình bày hoàn cảnh nên em không phải đau đầu với những con số và mốc thời gian. Phương ra sớm và khẳng định mình phải đạt điểm 8.
Lê Thị Tâm, học sinh trường THPT Marie Curie cũng thở phào khi ra khỏi phòng thi. Tâm cũng bất ngờ vì đề Lịch sử không yêu cầu phải nhớ nhiều những sự kiện con số dễ khiến học sinh bị nhầm lẫn. Tâm cho biết, các bạn cùng phòng thi với em cũng làm bài tốt, bạn nào cũng chăm chú, im lặng làm bài.
Nguyễn Mạnh Dũng cùng nhóm bạn học sinh trường THPT Trần Phú cũng nhận xét đề thi dễ, không đánh đố học sinh với những phần câu hỏi như nêu diễn biến, học sinh trung bình học chăm chỉ cũng có thể kiếm được điểm 7.
Bối rối với câu 2
Một trong những điều đáng chú ý mà phóng viên ghi nhận được từ môn thi Lịch sử chiều nay là nhiều thí sinh tỏ ra bối rối với ý thứ 2 của câu 2 (phần chung). Nội dung ý này là: Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19/12/1946 đến ngày 17/2/1947).
Việc làm được câu này hay không là chủ đề các thí sinh cụm thi trường THCS Trưng Vương bàn tán xôn xao ngay sau khi bước ra khỏi phòng thi. Đặc biệt, nhiều học sinh trường THPT Việt Đức bị “vướng” bởi câu này vì theo tâm sự của các bạn, nó không có trong đề cương ôn tập của nhà trường.
Nhưng không chỉ học sinh trường THPT Việt Đức mà một số học sinh trường Marie Curie cũng thừa nhận câu 2 là khó nhất vì không rơi vào trọng tâm ôn tập.
Thậm chí, Nguyễn Mạnh Dũng, học sinh trường THPT Trần Phú còn thừa nhận là mình không làm được phần 2 của câu 2 và khẳng định nhiều bạn cùng phòng thi với mình cũng bỏ hẳn ý này.
Tuy nhiên, cũng theo tâm sự của nhiều thí sinh thì dù ý 2 câu 2 không rơi vào trọng tâm ôn tập nhưng mình vẫn làm được phần nào là nhờ xem bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946”.
Mặc dù có vướng mắc nhỏ, nhưng nhìn chung, các thí sinh đều cảm thấy hài lòng với bài thi Lịch sử của mình.
Đề thi môn Lịch sử - GDTHPT I. Phần chung cho tất cả thí sinh (7,0 điểm) Câu 1 (4,0 điểm): Trình bày hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị trên. Câu 2 (3,0 điểm): Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp? Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947). II. Phần riêng – Phần tự chọn (3,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b) Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm): Trình bày sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc. Câu 3.b. Theo chương trình nâng cao (3,0 điểm): Toàn cầu hóa là gì? Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỷ XX. |
Ngày mai (4/6), ngày thi cuối cùng, thí sinh sẽ kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 với hai môn Toán buổi sáng, thời gian 150 phút và Ngoại ngữ buổi chiều, thời gian 60 phút.
Hiếu Nguyễn