Bất ngờ tìm thấy cá thể Sao la sắp tuyệt chủng

Ước tính ban đầu có khoảng 500 cá thể Sao La dọc 6 tỉnh trên dãy Trường Sơn nhưng đến nay đã gần như không còn thấy xuất hiện.

Bất ngờ tìm thấy cá thể Sao la sắp tuyệt chủng

Ngày 2/3, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng nghiên cứu khoa học vừa bất ngờ thu được hình ảnh nghi là của cá thể Sao la- loài động vật cực kỳ quý hiếm, đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng ở Việt Nam, theo VnExpress.

Bất ngờ tìm thấy cá thể Sao la sắp tuyệt chủng - Hình 1

Hình ảnh cá thể nghi là Sao la trong rừng di sản Phong Nha. Ảnh: VnExpress.

Giới nghiên cứu đã thực hiện quá trình bẫy ảnh và chụp được cá thể nghi là Sao la này tại vùng lõi – khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hôm 9/2/2019.

Qua quan sát các đặc điểm trên ảnh và so sánh với đặc điểm nhận dạng của loài này, PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng – Ủy viên Hội đồng Khoa học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, một trong những chuyên gia hàng đầu về động vật rừng của Việt Nam và riêng về Sao la – đã khẳng định rằng, 90% các dấu hiệu từ hình ảnh thu được là loài Sao la.

Bất ngờ tìm thấy cá thể Sao la sắp tuyệt chủng - Hình 2

Sao la – loài động vật cực kỳ quý hiếm, được xem là đại diện tiêu biểu nhất cho đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Trong một hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức hồi tháng 4/2012, PGS.TS. Nguyễn Xuân Đặng đã thông tin rằng, tập quán sống của Sao la trong môi trường tự nhiên là hình thành các nhóm nhỏ dưới 10 cá thể, sống rải rác và cách xa nhau.

Ghi nhận được Sao la có dấu vết cư trú tại 6 tỉnh trên dãy Trường Sơn (từ Nghệ An – Quảng Nam). “Dẫu vậy, sau 20 năm (1992 – 2012) nghiên cứu và bảo tồn, tình trạng các quần thể Sao la có xu hướng ngày một rất xấu đi.

Khảo sát khắp Trường Sơn ban đầu có khoảng 500 cá thể, nhưng 20 năm sau, số lượng Sao la ở Việt Nam chỉ còn hơn 160 cá thể.

‘Tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) từ tình trạng này, 10 năm nữa (2022), loài Sao la bị tuyệt chủng là điều được dự báo” – Pháp luật Việt Nam dẫn lời ông Đặng lo ngại.

Một trong những người đầu tiên nghiên cứu và công bố loài Sao la vào năm 1992 – ông Vũ Văn Dũng (nguyên cán bộ của Viện Điều tra và quy hoạch rừng, Bộ NN-PTNT), nhận định rằng: “Bây giờ rừng Trường Sơn ở khu vực Nghệ – Tĩnh đã chẳng còn một con Sao la nào nữa. Theo tôi là thế, bởi hơn 10 năm rồi chưa phát hiện thêm được dấu vết nào”.

Bất ngờ tìm thấy cá thể Sao la sắp tuyệt chủng - Hình 3

Sao la trong rừng Trường Sơn qua bẫy ảnh. Ảnh: WWF.

Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis, là loài cực kỳ nguy cấp, quý hiếm trên thế giới, được các nhà khoa học mệnh danh ‘Kỳ lân châu Á’; sống chủ yếu gần nơi có suối ở độ cao 200 – 600 m trên mực nước biển dọc dãy Trường Sơn. Vào mùa đông, Sao la sẽ di cư xuống những vùng đất thấp hơn để tránh rét.

Loài này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5/1992, trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp (cũ) và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Cũng trong năm 1992, các nhà khoa học phát hiện thêm 20 con Sao la.

Theo Netnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ