Thông tin được Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang (FSVTS) của Nga cho biết bên lề Triển lãm quốc phòng IDEX-2023 ở Abu Dhabi hôm 20/2.
"Các vũ khí và thiết bị hàng không của Nga đã chứng minh được sức mạnh và độ tin cậy cao khi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hiện vũ khí của chúng tôi đang nhận được sự quan tâm từ nhiều khách hàng tại Trung Đông, đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với tiêm kích tàng hình Checkmate", đại diện của FSVTS cho biết.
Cùng với việc tiết lộ khách hàng tiềm năng của Checkmate, đại diện của FSVTS cũng nói về khả năng cạnh tranh của dòng tàng hình cơ Nga với tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ trên thị trường thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, F-35 Lightning của Mỹ là dòng chiến đấu cơ tàng hình duy nhất được bán trên thị trường thế giới.
Ngoài Mỹ, F-35 còn được biên chế trong lực lượng vũ trang của 9 quốc gia khác, gồm Australia, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Israel, Ý, Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhờ những ưu điểm của chiến đấu cơ thế hệ mới nhất, F-35 Lightning có khả năng tăng cường đáng kể sức chiến đấu của lực lượng không quân thuộc bất kỳ quân đội nào trên thế giới. Điểm yếu của F-35 không nằm ở kỹ thuật của nó mà là ở giá thành.
Giá trung bình của một chiếc máy bay dao động trong khoảng 80-100 triệu USD. Chính vì vậy, chỉ những quốc gia phát triển nhất có đủ ngân sách quốc phòng mới có thể mua được số lượng đáng kể máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Một khía cạnh không kém phần quan trọng khác nữa là những lý do về mặt chính trị. Bởi hiện tại, Mỹ chỉ sẵn sàng bán F-35 cho các đồng minh thực sự của mình, hoặc cho các quốc gia mà theo quan điểm của Mỹ là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.
Nhưng ngay cả trong trường hợp bán hàng cho đồng minh, thì không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Chẳng hạn như Thụy Sĩ, quốc gia muốn mua F-35 của Mỹ, đã rất khó làm được điều này, mặc dù có đủ tiền và tư cách đối tác thân thiện.
Quốc gia này đã bị các nước châu Âu cản trở, vì họ cho rằng, việc bán F-35 cho Thụy Sĩ sẽ làm suy yếu vị thế của các công ty châu Âu sản xuất tiêm kích Eurofighter Typhoon. Ví dụ khác về trở ngại chính trị đối với việc bán F-35 đó là câu chuyện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi mua của Nga một trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga, Ankara đã bị Washington từ chối cung cấp F-35. Phía Mỹ đề xuất cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 là F-16 Fighting Falcon nhưng đến nay mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất.
Đến khi tiêm kích Checkmate bắt đầu được sản xuất hàng loạt thì nó có thể trở nên thực sự hấp dẫn trên thị trường máy bay chiến đấu thế giới.
Checkmate với giá bán và chi phí vận hành vừa phải sẽ là mối quan tâm lớn đối với nhiều khách hàng, chủ yếu là những nước không thể mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ vì lý do chính trị.
Do đó, nó có thể trở thành cánh cửa bước vào thế hệ thứ 5 cho không quân nhiều quốc gia trên thế giới, tương tự như F-35 hiện nay như cánh cổng cho không quân các đồng minh được hưởng đặc quyền của Hoa Kỳ.
Tiêm kích Checkmate, ngoài tổng chi phí rất thấp, thì có lợi thế hơn so với F-35 về chi phí vận hành. Tiêm kích tàng hình Nga có chi phí cho mỗi giờ bay thấp hơn 5 lần so với F-35 của Mỹ.
Hiện tại, chi phí mỗi giờ bay của F-35 khoảng 31-33 nghìn USD.
Đại diện của FSVTS nhấn mạnh, với những lợi thế nêu trên, không phải Su-57 mà chính máy bay tàng hình Checkmate sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với F-35 trên thị trường vũ khí thế giới.