Bắt đầu chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo

GD&TĐ - Ngày 15/3, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đến dự và chủ trì Hội nghị Sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL.

Bắt đầu chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL…

Theo Bộ NN&PTNT, tổng diện tích gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014 đạt khoảng 1,605 triệu ha, tăng hơn 3.200 ha so với vụ Đông Xuân 2012 - 2013. Năng suất bình quân ước đạt 6,83 tấn/ha, tăng 0,01 tấn/ha.

Với năng suất và sản lượng như vậy thì đây là vụ Đông Xuân được mùa lớn. Tuy nhiên từ đầu tháng 3, giá lúa đã giảm mạnh từ 400 - 500 đồng/kg và dao động từ 4.400 đồng đến 5000 đồng/kg đối với lúa thường và từ 4.500 đồng đến 5.300 đồng/kg lúa chất lượng cao.

Theo thống kê, hiện tại ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi số lượng gạo xuất khẩu giảm 22% so với cùng kỳ, giá gạo cũng giảm khoảng 15%.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong quý 1 - 2014, các doanh nghiệp dự kiến chỉ có thể xuất khẩu được 1,1 - 1,2 triệu tấn gạo. Thị trường gạo thế giới đang cho thấy những diễn biến khó lường trước thông tin Thái Lan có chủ trương giải phóng 20 triệu tấn gạo tồn kho.

Trong khi đó, tháng 3 và tháng 4 sẽ là thời điểm thu hoạch tập trung vụ lúa Đông Xuân, với lượng gạo hàng hóa khoảng 3,2 triệu tấn, cùng với gạo tồn kho là 478.000 tấn. Vấn đề tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân này cũng như cả năm 2014 đang đặt ra nhiều thử thách, cần phải có những giải pháp để tháo gỡ. 

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thống nhất ngày 15/3/2014 sẽ bắt đầu chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo, hỗ trợ 4 tháng với lãi suất trần 7%.

Theo đó Thủ tướng chỉ đạo: Điều quan trọng hiện nay là phải tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, nâng cao đời sống và thu nhập cho nông dân.

Phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất gắn với tiêu thụ.

Khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn nhằm thu mua cung ứng đầu vào, giải quyết đầu ra từ đó năng suất lao động sẽ được tăng lên. Chính phủ, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực.

Cùng với đó là cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể trong trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ