Nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục Sao Mai (Đông Vĩnh, Vinh) |
(GD&TĐ) - Hiện tại, ở thành phố Vinh (Nghệ An) có 62 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (sau đây gọi chung là nhóm, lớp mầm non) độc lập tư thục, trong đó có đến 64,5% số nhóm, lớp đang hoạt động không phép.
Đóng cửa rất khó?
Lớp giữ trẻ của bà Trương Thị Oanh nằm tại dãy nhà tập thể thuộc khối 20, phường Hưng Bình. Ngôi nhà nhỏ cấp 4 chỉ có hai phòng, một phòng dùng làm phòng khách, phòng còn lại rộng chừng 20m2 là nơi hoạt động, ăn ngủ của 7 - 8 cháu từ 12 - 36 tháng tuổi. Quan sát quanh căn phòng nhỏ, chỉ có rất ít đồ chơi, các phương tiện dạy học cho trẻ gần như không có gì. Người dạy trẻ thì chưa hề qua một lớp đào tạo nào về nghiệp vụ sư phạm mầm non.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình: “Hiện tại, trên địa bàn phường có 6 điểm trông giữ trẻ như thế này và tất cả đều tự phát, mỗi điểm có từ 3 - 12 cháu. Ngoài điểm của bà Nguyễn Thị Nguyệt ở khối Liên Cơ là giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm, còn lại đều là những người chưa qua đào tạo, không có bằng cấp chuyên môn về giáo dục mầm non.
Các nhóm, lớp không thực hiện chăm sóc trẻ theo chương trình, cũng không có đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Theo quy định, các nhóm, lớp này không đủ điều kiện để cấp phép, nhưng để “đóng cửa” thì rất khó. Lý do là hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trong phường rất lớn, trong khi đó trường mầm non của phường không đáp ứng đủ.
Thực tế, phường không có nhân lực để theo dõi hoạt động của các nhóm, lớp này một cách thường xuyên. Tuy vậy, phường cũng đã nhiều lần kiểm tra, nhưng lần nào cũng vậy, khi hỏi đến giấy tờ, họ đều nói là “hàng xóm gửi” nên đành chịu.
Các trường mầm non (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn thành phố Vinh không đủ chỗ để nhận chăm sóc trẻ theo nhu cầu của nhân dân là nguyên nhân khiến các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục mọc lên. Toàn thành phố Vinh hiện có đến 62 nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, rải ra ở hầu hết tất cả các phường…
Tuy vậy, mới chỉ có 22 nhóm, lớp được cấp phép, còn lại là hoạt động bất hợp pháp. Nhìn chung, cơ sở vật chất của các nhóm, lớp này rất nghèo nàn; đội ngũ giáo viên lại không có chuyên môn; một số chủ nhóm, lớp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non theo quy định.
Cần khẩn trương rà soát…
Bà Lê Thị Phương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết: “Theo Quyết định 41 và Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT, Phòng GD&ĐT có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục; còn việc cấp phép, rút giấy phép lại thuộc quyền của UBND các phường, xã.
Thực tế hiện nay các phường, xã lại chưa quản lý chặt chẽ hoạt động này, còn cả nể, dễ dài… Về khách quan, do cơ sở vật chất để phục vụ cho ngành học mầm non của Vinh còn quá thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của người dân”.
Theo ông Trần Hữu Hy, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An: “Vấn đề đáng lo ngại nhất ở các nhóm, lớp tự phát chính là việc mất an toàn của trẻ, bởi ở đây người dạy không có chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo yêu cầu tối thiểu”.
Để khắc phục được điều mà ông Chánh Thanh tra Sở lo lắng, giúp cha mẹ các cháu an tâm làm việc, nhất là để đảm bảo quyền được chăm sóc chu đáo của trẻ em, thiết nghĩ, UBND thành phố Vinh cần khẩn trương chỉ đạo các phường, xã rà soát lại các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục; trên cơ sở đó, thực hiện cấp phép cho những điểm có đủ điều kiện và kiên quyết đình chỉ các điểm không đủ điều kiện.
Mỹ Hà