Bất cập trong giáo dục trẻ tự kỷ

Bất cập trong giáo dục trẻ tự kỷ

(GD&TĐ) - Các nhà nghiên cứu cho rằng có tới 70% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ. Sự phát triển nhận thức của trẻ tự kỷ hết sức bất thường, so sánh nhận thức xét trên mặt bằng chung thấp hơn trẻ cùng tuổi. Ngoài chậm phát triển, trẻ tự kỷ còn có biểu hiện rối loạn phát triển, do đó việc giáo dục cho trẻ tự kỷ là vấn đề khó khăn và phức tạp…

 

Thiếu giáo viên

Tại Việt Nam, số lượng trẻ tự kỷ đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo số liệu của Bệnh viện Nhi T.Ư, số trẻ tự kỷ đến điều trị trong năm 2007 đã tăng gấp 33 lần so với năm 2000. Còn tại TPHCM, nếu như năm 2000 chỉ có hai trẻ tự kỷ điều trị thì năm 2008 đã là 324 trẻ, tăng hơn 160 lần. Trong khi đó cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có đội ngũ cán bộ y tế, tâm lý, giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục trẻ tự kỷ. ThS Nguyễn Nữ Tâm An (Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết: “Do vấn đề giáo dục trẻ tự kỷ mới thực sự nổi lên trong mấy năm gần đây nên kinh nghiệm làm việc của đa số các giáo viên chưa nhiều; Đội ngũ các nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục trẻ tự kỷ đang trong giai đoạn hình thành, chưa thực sự rõ nét vai trò trong quá trình phát triển giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam”.

Giáo dục trẻ tự kỷ là một lĩnh vực khó, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia, giáo viên được đào tạo chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm. Tỉ lệ giáo viên tính theo đầu trẻ cũng cần nhiều hơn (tại trường chuyên biệt 1 giáo viên chỉ phụ trách được 2 - 3 trẻ tự kỷ).

Với tình hình đội ngũ giáo viên hiện nay, công tác giáo dục trẻ tự kỷ đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp trẻ tự kỷ mức độ nặng hoặc những trường hợp trẻ có nhiều hành vi bất thường. Trẻ tự kỷ cũng lớn dần lên, kèm theo đó là những nhu cầu về giáo dục giới tính, giáo dục lao động và hướng nghiệp, trong khi khả năng hấp thụ những kiến thức này là rất thấp... Khó khăn càng nhiều hơn với các giáo viên dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hoà nhập, do phần lớn chưa được đào tạo kĩ năng dạy trẻ tự kỷ, lớp học đông nên giáo viên khó có thể dành sự quan tâm nhiều hơn đến đối tượng trẻ tự kỷ…

Bất cập từ chuyên môn đến quản lý

Đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ tự kỷ, hiện nay đã có khá nhiều trường và trung tâm được mở ra. Tuy nhiên số lượng còn ít, thường tập trung ở khu vực thành thị, khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, việc giáo dục trẻ tự kỷ cũng tồn tại nhiều bất cập. PGS.TS Lê Văn Tạc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia đình đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng: Việc giáo dục sớm trẻ tự kỷ ở nước ta còn nhiều bất cập cả từ chuyên môn đến quản lý. Ngoài một số trường có khả năng sư phạm cao khi xây dựng được một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản theo chuyên ngành giáo dục đặc biệt, chuyên ngành tâm lí… thì cũng có một số trung tâm được mở ra, mặc dù không có chuyên ngành liên quan đến giáo dục trẻ tự kỷ. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không đồng nhất trong việc thực hiện chế độ đối với giáo viên tham gia giáo dục trẻ tự kỷ.

Xây dựng hệ thống giáo dục đặc biệt

Nhu cầu về giáo dục trẻ tự kỷ đang ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi việc xây dựng hệ thống giáo dục đặc biệt, đội ngũ giáo viên, chuyên gia có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam. ThS Nguyễn Nữ Tâm An nhận định: Trong thời gian tới Việt Nam cần tăng quy mô đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại các khoa giáo dục đặc biệt của các trường sư phạm; Đối với giáo viên dạy trẻ tự kỷ học hòa nhập cần có các chương trình tập huấn để họ có được các kỹ năng cơ bản. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục - y tế để trẻ tự kỷ được phát hiện và can thiệp sớm, giúp các em có thể hoà nhập tốt hơn; Nghiên cứu ứng dụng các chương trình giáo dục trẻ tự kỷ của thế giới trong điều kiện văn hóa và giáo dục tại Việt Nam.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ