Bất cập trong giáo dục Hà Tĩnh (Bài 2): Học sinh “dừng” học, nguy cơ giáo viên thất nghiệp

Bất cập trong giáo dục Hà Tĩnh (Bài 2): Học sinh “dừng” học, nguy cơ giáo viên thất nghiệp

Bên cạnh đó, một số lượng lớn học sinh tiểu học được học môn Tiếng Anh từ năm lớp 1 nhưng đến năm lớp 3 thì bỗng dưng phải “dừng” học. Thực trạng trên đang diễn ra trong ngành Giáo dục Hà Tĩnh khiến các phụ huynh hoang mang còn các giáo viên hết sức lo lắng...

Mua sách học Tiếng Anh về chỉ để … “ngắm”

Anh Đinh Sỹ Hùng - phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Hương Long (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, chuẩn bị cho con vào năm học 2019 - 2020, anh phải dành tiền để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập. Đặc biệt anh bỏ ra 120 nghìn đồng mua ba cuốn sách tiếng Anh lớp 3 thì giờ thấy con để “ngắm” vì nhà trường thông báo bỏ môn học này.

Cũng như anh Hùng, gần 2.000 phụ huynh có con học môn Tiếng Anh lớp 3 ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bỏ ra hàng trăm ngàn để mua sách vở, đồ dùng môn học Tiếng Anh thì nay bỏ phí do nhà trường thông báo không có giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh.

“Việc học ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh rất quan trọng. Chúng tôi lo ngại nếu các cháu không được học tiếng Anh như bạn bè cùng trang lứa sẽ thiệt thòi và thua kém, ảnh hưởng đến các cơ hội học tập, làm việc sau này. Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan, ban, ngành sớm tìm phương án giải quyết để các cháu được học môn Tiếng Anh như đề án ban đầu Phòng GD&ĐT xây dựng” – anh Nguyễn Văn Thành, phụ huynh có con học lớp 3 ở huyện Hương Khê lên tiếng đề nghị.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT Hương Khê cho biết, do thiếu giáo viên nên bộ môn Tiếng Anh trên địa bàn huyện chỉ thực hiện dạy học được cho các lớp 4, 5 còn lớp 3 buộc phải nghỉ học môn này. Theo ông Hùng, những năm trước huyện thực hiện chế độ hợp đồng từ ngân sách Nhà nước đối với 14 giáo viên tiếng Anh để giảng dạy, tuy nhiên năm nay, thực hiện Nghị định 161 của Thủ tướng Chính phủ không được thực hiện chế độ hợp đồng đối với đơn vị hành chính sự nghiệp nên UBND huyện có thông báo chấm dứt hợp đồng đối với 14 giáo viên này.

Thực hiện Nghị định 161, 906 giáo viên mầm non hợp đồng 2059 tại Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ mất việc: “Biên chế không biết chúng em có cơ hội hay không, nhưng nếu không còn được hợp đồng nữa, chúng em không biết sẽ đi đâu, về đâu?” - một giáo viên hợp đồng 2059 giãi bày.

Nguyên nhân vì đâu, giải pháp như thế nào, đến nay vẫn chưa được các ngành chức năng Hà Tĩnh làm rõ nhưng hậu quả là gần 2.000 học sinh lớp 3 ở huyện Hương Khê đang phải “dừng” học Tiếng Anh. 14 giáo viên hợp đồng (có những người đã hợp đồng 8 năm) “bỗng dưng” thất nghiệp và chỉ biết ngồi ở nhà chờ đợi trong vô vọng. Và câu hỏi đang được dư luận đặt ra là tại sao các học sinh huyện khác vẫn có đủ giáo viên Tiếng Anh dạy cho học sinh, còn huyện Hương Khê thì không? Đây có phải là một “chiêu thức” mà lãnh đạo huyện Hương Khê tạo áp lực lên tỉnh hay vì “sợ” vi phạm Nghị định 161 nên Hương Khê đã “đi đầu” chấm dứt hợp đồng với 14 giáo viên Tiếng Anh?

“Chạy show” dạy liên trường

Là giáo viên biên chế ở Trường Tiểu học Hương Long, huyện Hương Khê nhưng mỗi tuần 1 ngày, cô Phan Thị Quế phải dậy từ mờ sáng để gửi con nhỏ rồi đi gần 30km đường rừng để vào Trường Tiểu học Hương Liên dạy tăng cường thêm 6 tiết. “Đường núi vốn đã quanh co gập ghềnh, sau những ngày mưa lũ bị xói lở lại càng khó đi, thế nên quãng đường gần 30km mà tôi phải đi hết cả tiếng đồng hồ. Biết đường mà đi như tôi còn đỡ, một số đồng nghiệp được tăng cường vào các trường ở Hương Lâm, Hương Liên những ngày đầu vẫn chưa thể quen đường. Có hôm đi lạc không tìm thấy đường ra, đường núi vắng vẻ heo hút không có người để hỏi. Vì thế, có cô phải nhờ chồng đưa đón” - cô Quế cho biết.

Hầu hết 14 giáo viên toàn huyện đều tăng cường dạy liên trường. Địa bàn rộng, nên từ trường nơi các cô biên chế đến chỗ tăng cường phải đi hàng chục km, việc “chạy show” 1 tuần 3 điểm trường không còn là chuyện lạ với các giáo viên Tiếng Anh ở Hương Khê. Cô Trần Thị Hải giáo viên Tiếng Anh ở Phúc Đồng là một trong số đó. Nhà cô ở thị trấn nhưng biên chế dạy ở Phúc Đồng. Có ngày cô Hải phải chạy như con thoi mới hoàn thành được công việc chuyên môn. Nhiều đồng nghiệp nói cô là con người “sáng hạ, chiều thượng”. Bởi có những hôm buổi sáng cô xuống dạy ở Phúc Đồng, chiều lại tiếp tục lên Hương Trạch (nơi có 2 điểm trường) để dạy tăng cường.

Cùng với việc trèo đèo lội suối trên cung đường hàng chục km, việc thiếu giáo viên khiến tình trạng dạy vượt tiết trở nên phổ biến đối với giáo viên Tiếng Anh ở Hương Khê. “Theo quy định, giáo viên Tiếng Anh nếu quản lý phòng chức năng (phòng tiếng Anh) sẽ được giảm 3 tiết/tuần, nhưng thực tế chẳng ai được giảm. Thừa giờ năm này qua năm khác nhưng chẳng ai trả tiền vượt giờ cho chúng em. Báo cáo của giáo viên Tiếng Anh với Phòng Giáo dục hằng năm thấy ai cũng vượt tiết. Như năm ngoái có những chị phải dạy đến 30 tiết/tuần” - cô Phan Thị Quế, giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học Hương Long cho hay.

Đầu năm học, gần 2.000 phụ huynh ở huyện Hương Khê đã phải mua sắm sách, vở môn Tiếng Anh cho con thì nay những thứ đó chỉ để… “ngắm”.
 Đầu năm học, gần 2.000 phụ huynh ở huyện Hương Khê đã phải mua sắm sách, vở môn Tiếng Anh cho con thì nay những thứ đó chỉ để… “ngắm”.

Hàng nghìn giáo viên nguy cơ mất việc

Năm 2013, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2059/QĐ-UBND hợp đồng 906 người giảng dạy có hệ số lương tại các trường mầm non bán công, công lập. Các giáo viên trên đã trải qua 3 đến 13 năm dạy học, say mê, nhiệt huyết, đang trong độ chín của nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên này (giáo viên hợp đồng 2059) không khỏi hoang mang, lo lắng khi không biết tương lai mình đi về đâu khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 về việc: “Sửa đổi bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập” được ban hành.

Theo đó, từ nay “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên”.

Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019, gia hạn thêm 6 tháng cho những địa phương “đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày ban hành Nghị định này”.

Như vậy, với Nghị định 161, 906 giáo viên mầm non hợp đồng 2059 tại Hà Tĩnh, đang đứng trước nguy cơ mất việc: “Biên chế không biết chúng em có cơ hội hay không, nhưng nếu không còn được hợp đồng nữa, chúng em không biết sẽ đi đâu, về đâu?” - một giáo viên hợp đồng 2059 giãi bày.

Xét theo Nghị định 161 của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ 906 giáo viên mầm non hợp đồng 2059 theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh ký mà hàng nghìn giáo viên khác đang được các huyện, các trường ký hợp đồng “thời vụ” cũng đứng trước nghịch cảnh không có việc làm.

Do thiếu giáo viên nên bộ môn Tiếng Anh trên địa bàn huyện chỉ thực hiện dạy học được cho các lớp 4, 5 còn lớp 3 buộc phải nghỉ học môn Tiếng Anh. Những năm trước huyện thực hiện chế độ hợp đồng từ ngân sách Nhà nước đối với 14 giáo viên tiếng Anh để giảng dạy, tuy nhiên năm nay, thực hiện Nghị định 161 của Thủ tướng Chính phủ không được thực hiện chế độ hợp đồng đối với đơn vị hành chính sự nghiệp nên UBND huyện có thông báo chấm dứt hợp đồng đối với 14 giáo viên này.                           Ông Trần Đình Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ