Bắt buộc cảnh báo tác hại trên chai rượu, lon bia

Việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao thuốc lá đã được thực hiện từ năm 2013 tại Việt Nam. Vì sao chưa thể làm với bia rượu?

Rượu bia có những tác hại khủng khiếp cho cơ thể nhưng chưa bị bắt buộc in hình ảnh và nội dung cảnh báo như thuốc lá. Ảnh: K. Linh
Rượu bia có những tác hại khủng khiếp cho cơ thể nhưng chưa bị bắt buộc in hình ảnh và nội dung cảnh báo như thuốc lá. Ảnh: K. Linh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh được chứng minh là biện pháp có chi phí thấp và hiệu quả cao. Việc ghi nhãn và in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao thuốc lá đã được thực hiện từ năm 2013 tại Việt Nam. Vì sao chưa thể làm với bia rượu?

Những hình ảnh rùng rợn trên bao thuốc lá

Trước đây, dòng chữ “Hút thuốc có hại cho sức khỏe” được in khá khiêm tốn trên vỏ bao thuốc lá và ít gây được chú ý cho người sử dụng. Nhưng kể từ ngày 1/5/2013, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2013 của Bộ Y tế - Bộ Công thương, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì theo 6 mẫu quy định. Mẫu cảnh báo sức khỏe phải bảo đảm được in rõ nét và dễ nhìn. Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt trước và sau trên bao bì thuốc lá.

Cùng với những dòng chữ cảnh báo sức khỏe, người hút thuốc lá sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh rùng rợn minh họa trên mỗi vỏ bao như: hình ảnh thuốc lá “ăn” rỗ cổ họng của người hút; hình ảnh một người chỉ còn da bọc xương như xác sống; hình ảnh buồng phổi đen kịt hay hàm răng bị ăn mòn, ố vàng như của người chết. Đặc biệt là hình ảnh một đứa trẻ sơ sinh quặt quẹo nằm trong lồng kính với đầy những dây dợ do chịu ảnh hưởng thụ động của người hút thuốc lá...

6 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cùng các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo… đã có những chuyển biến ở người hút thuốc. Nhiều nơi công cộng đã cấm hoàn toàn hành vi hút thuốc lá. Tại các hội nghị, hội thảo hay nhà hàng, khách sạn cũng quy định khu vực riêng dành cho người hút thuốc.

Trước đó, tháng 10/2017, trong báo cáo gửi Chính phủ về công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%).

Cùng với việc giảm tỷ lệ hút thuốc chủ động, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cũng giảm.

Theo đó, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 tại hầu hết các địa điểm như: Tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%) và tại trường học giảm 6,2% (từ 22,3% xuống 16,1%) và tại gia đình giảm 13,2% (từ 73,1% xuống 59,9%).

In cảnh báo trên vỏ lon bia, chai rượu được không?

Theo các kết quả nghiên cứu, bia rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT.

Với những tác hại của tình trạng lạm dụng rượu, bia, đặc biệt là liên tiếp các vụ TNGT kinh hoàng do tài xế say rượu bia gây ra thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra quy định bắt buộc phải in cảnh báo tác hại của rượu, bia lên nhãn hiệu của mặt hàng này. Đó có thể là những thông điệp như “Uống rượu, bia có thể ung thư gan”, “Uống rượu, bia dễ TNGT”, “Đã uống rượu, bia không lái xe”... Về lâu dài, đi kèm những thông điệp này là những hình ảnh cảnh báo như đã áp dụng với thuốc lá.

Thực tế, năm 2015, việc cảnh báo tác hại trên nhãn rượu, bia cũng là một nội dung xin ý kiến để đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia. Nhưng đến nay, điều đó vẫn không được quy định.

Trong khi đó, theo tôi được biết, hơn 100 nước trên thế giới đã áp dụng cảnh báo tác hại sức khỏe bằng hình ảnh hoặc bằng chữ lên nhãn rượu bia và khuyến cáo người uống phải chịu trách nhiệm trước khi sử dụng.

Năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tỉnh Ontario (Canada) đã thực hiện thử nghiệm đưa các nhãn cảnh báo tác hại, rượu, bia đối với 2.000 người. Kết quả tuy chưa được công bố nhưng “phản ứng của phần lớn họ đều kinh ngạc và ghê rợn” với tác hại của rượu bia.

Tại Anh, sau khi đàm phán với Bộ Y tế nước này, ngành rượu bia của xứ sở sương mù đã quyết định in lời cảnh báo có hại cho sức khỏe ở vỏ lon, nhãn chai bia và rượu như lời cảnh báo in ở vỏ bao thuốc lá. Mục đích của biện pháp cảnh báo này là nhằm hạn chế nạn nghiện ngập bia rượu nhất là trong giới trẻ, một nguyên nhân gây bạo lực và làm tăng TNGT. Đến cuối năm 2015, 85% bia lon và bia chai bán trên thị trường nước Anh đã in lời cảnh báo ở vỏ lon và vỏ chai. Các loại rượu mạnh như Bell Whisky, Smirnoff Vodka, Gordongin đều phải in logo cảnh báo ở vỏ chai. Những loại rượu nhập ngoại bán ở thị trường cũng không có ngoại lệ. Biện pháp hạn chế tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn này được giới y học, luật sư, cảnh sát rất hoan nghênh.

Một trong những vấn đề nan giải trong việc cảnh báo tác hại của tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam liên quan đến rượu thủ công. Theo đó, mỗi năm có khoảng 270 triệu lít rượu thủ công không đăng ký vẫn đưa ra bán trên thị trường. Do vậy, việc kiểm soát sản lượng đối với sản phẩm này chưa được thực hiện dẫn đến nguy cơ gây các tác hại không mong muốn và việc ghi cảnh báo (nếu được quy định) cũng khó khăn hơn.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (đang diễn ra) dự kiến xem xét, thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự luật này tác động sâu rộng tới nhiều người dân và giống như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, sẽ cần phải có một quá trình thực hiện mới phát huy hiệu quả. Do đó, việc Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với những quy định khắt khe là cần thiết. Cùng với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân, nâng cao nhận thức về các tác hại để hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy do việc lạm dụng rượu bia tùy tiện như hiện nay.

Theo baogiaothong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…