Bảo vệ tài khoản Apple ID

Nhiều người dùng chưa ý thức tầm quan trọng của việc giữ bí mật thông tin về tài khoản Apple ID dẫn đến bị đánh cắp tài khoản, khóa các thiết bị... Thậm chí, những hacker này còn báo mất máy trên iCloud để tống tiền người dùng.

Bảo vệ tài khoản Apple ID

Hiện nay số lượng người dùng iPhone và các sản phẩm khác của Apple rất lớn. Đi kèm với các thiết bị Apple là tài khoản iCloud (Apple ID) để backup và lưu trữ dữ liệu, khóa các thiết bị, xóa dữ liệu và báo mất máy, liên kết với các loại thẻ như Visa, Master Card để thanh toán cho việc mua các ứng dụng trả phí trên Apple Store. 

Nếu hacker lấy được tài khoản này đồng nghĩa với việc toàn bộ các thiết bị và dịch vụ của Apple mà người dùng đang sử dụng đều sẽ bị kiểm soát.

Có rất nhiều người sau khi mua máy tại các cửa hàng thường nhờ ngay nhân viên kích hoạt máy và tạo Apple ID giúp. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc bị đánh cắp tài khoản. Vì vậy tốt nhất bạn nên tự mình tạo tài khoản với các thông tin bảo mật cá nhân.

Trong trường không biết cách tạo, có thể nhờ nhân viên cửa hàng hướng dẫn nhưng nhất thiết chủ máy phải là người điền các thông tin như mật khẩu, e-mail, câu hỏi bí mật. 

Hoặc sau khi nhờ người khác tạo xong, nên đổi lại mật khẩu và quan trọng nhất là thay câu hỏi bí mật vì đây chính là chìa khóa để có thể thay đổi mật khẩu cho tài khoản. 

Một số người sợ mình quên mật khẩu nên thường ghi ra giấy, lưu trên tin nhắn điện thoại, lưu trên note trong điện thoại, hay lưu trên file trong máy tính. Sẽ không sao nếu các thiết bị này chỉ được sử dụng "chính chủ" hay không bị thất lạc. 

Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ rò rỉ thông tin và từ đó việc bị đánh cắp tài khoản hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy nên sử dụng chính tính năng Apple Keychain trên các thiết bị để quản lý các mật khẩu của mình. 

Cũng do sợ quên mật khẩu, nên thường người dùng thường sử dụng chung một mật khẩu cho các loại tài khoản của mình, từ Yahoo, Facebook … 

Việc này sẽ giúp đơn giản hóa việc đăng nhập và ghi nhớ nhưng chỉ cần một tài khoản nào đó bị đánh cắp thì kẻ gian sẽ dễ dàng vào được các tài khoản khác. Do đó cần đặt mật khẩu riêng cho từng tài khoản và quản lý chúng bằng Apple Keychain.

Nếu người dùng đang chia sẻ Apple ID của mình cho nhiều người sử dụng thì nên tách riêng 2 tài khoản gồm Apple ID sử dụng để tải các ứng dụng trên Apple Store và Apple ID dùng để đăng nhập iCloud. Tài khoản dùng để truy cập iCloud bắt buộc sử dụng riêng, bảo mật tuyệt đối. 

Đối với người dùng thường sử dụng chế độ lưu mật khẩu trên các trình duyệt web như Safari, Google Chrome, Firefox … để truy cập nhanh thì đây chính là con đường dẫn đến việc tài khoản dễ bị đánh cắp. Nguyên tắc là không bao giờ sử dụng chế độ lưu mật khẩu tự động.

Trường hợp người dùng sử dụng hàng "xách tay" hoặc máy cũ, có rất ít cơ hội để lấy lại mật khẩu bị mất cắp, không ít người phải móc hầu bao để chuộc lại tài khoản của chính mình để tránh bị rơi vào cảnh chiếc máy tính đắt tiền vài chục triệu biến thành khối sắt vô tri vô giác chỉ có thể đem bán "ve chai". 

Với các sản phẩm iPhone FPT bị mất tài khoản nhưng chưa bị báo mất thiết bị trên iCloud, chỉ cần chứng minh được đây là máy chính chủ thì FPT sẽ liên lạc với Apple để lấy lại tài khoản cho người dùng với mức phí thấp áp dụng cho dịch vụ gia tăng nằm ngoài phạm vi bảo hành.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ