Rõ ràng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng đã và đang trở thành những điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Bản quyền tác giả chưa được tôn trọng
Trong năm 2016, Cục Bản quyền tác giả đã tiếp nhận, thụ lý 19 vụ việc khiếu nại, tổ cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan, hiện đã giải quyết dứt điểm 17 vụ việc, trong đó có các vụ việc điển hình như: Việc ông Bùi Minh Tuấn khiếu nại kênh An ninh TV và VTV sử dụng bản ghi hình “Việt Nam qua góc nhìn Flycam” và “Chinh phục cực Bắc Việt Nam”; vi phạm quyền tác giả âm nhạc của Công ty Cổ phần Sự kiện Sao Hải ngoại; ông Lưu Mạnh Tiến tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Hình thức thể hiện nhân vật series phim hoạt hình Ban nhạc Gà con (Ban nhạc Siêu Chíp) khiếu nại VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình “Hát cùng Siêu chíp” và phát hành trên Internet gây tổn hại về tinh thần và vật chất cho ông…
Những vụ việc này cho thấy sự nhìn nhận về vấn đề bản quyền tại Việt Nam vẫn bị xem nhẹ. Đi liền với giá trị về tinh thần thì vấn đề liên quan tới tác quyền còn mang lại giá trị kinh tế cho chính tác giả.
Câu chuyện mà nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ tại Hội thảo “Vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và Hội Truyền thông điện tử TPHCM mới đây đã khiến cho nhiều người ngậm ngùi.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - người phổ nhạc bài hát nổi tiếng “Tổ quốc gọi tên mình”: Trong khi các ca sĩ thị trường mới vào nghề đã có nhà cao cửa rộng thì không ít tác giả lớn tuổi không kiếm được một đồng để hút thuốc. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đặt câu hỏi: Như vậy còn động lực đâu để mà sáng tác? Rõ ràng cần phải có sự công bằng với tất cả các nghệ sĩ, bất cứ các ca sĩ nào khi biểu diễn các tác phẩm thì cũng cần có trách nhiệm trả kinh phí về bản quyền đối với tác phẩm mà họ sử dụng.
Vẫn phụ thuộc vào ý thức
Hiện nay một tác phẩm âm nhạc ra mắt được với công chúng phải thỏa mãn 3 điều kiện: Thứ nhất, tạo điều kiện để đơn vị phổ biến âm nhạc phát triển; thứ hai, trả tiền tương xứng cho tác giả để kích thích sự sáng tạo; thứ ba, xã hội được thụ hưởng tác phẩm âm nhạc đó. Song trên thực tế thì đơn vị phổ biến âm nhạc thu được lợi nhuận, ca sĩ biểu diễn thu được cát sê cao còn tác giả của ấn phẩm âm nhạc lại chịu nhiều thua thiệt. Có nhiều tác giả đã lên tiếng về vấn đề tác phẩm của họ bị xâm phạm quyền tác giả.
Đối với ngành xuất bản, theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ: Hiếm có tác giả nào kiếm được năm bảy chục triệu đồng cho việc ra đời một cuốn sách, đa phần chỉ kiếm được năm, bảy triệu mà thôi. Trong khi đó, việc chế tài xử phạt vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đối với hành vi in lậu sách chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính (cao nhất 20 triệu đồng), nên những đối tượng in lậu sẵn sàng chấp nhận đóng phạt để ngang nhiên xâm phạm bản quyền.
Như vậy, ngoài quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, quan trọng nhất là phải tạo được nhận thức trong xã hội. Nếu chỉ có ý chí từ cơ quan quản lý Nhà nước mà công chúng không có cùng nhận thức thì khó tạo được tư duy mới trong bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Do đó, cần có chiến dịch tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa.