Bảo vệ sức khoẻ tâm thần của nhà giáo

GD&TĐ - Dạy học là một trong những nghề hao tổn sức lực nhất trong số tất cả các ngành.

Nếu căng thẳng, giáo viên cần có hoạt động giúp cải thiện tâm trạng như: Chơi với con, đi dạo, nói chuyện với bạn bè. Ảnh minh hoạ
Nếu căng thẳng, giáo viên cần có hoạt động giúp cải thiện tâm trạng như: Chơi với con, đi dạo, nói chuyện với bạn bè. Ảnh minh hoạ

Giảng dạy là một công việc đòi hỏi phải có đủ cả sức khỏe tinh thần, thể chất và cả sức khỏe về tình cảm. Do vậy, tình trạng căng thẳng quá độ được coi là một trong những bệnh nghề nghiệp của giáo viên.

Hoạt động giúp tràn đầy năng lượng

Sau 2 năm Covid-19, giáo viên càng phải đối mặt với nhiều căng thẳng. Họ phải thích ứng với giảng dạy xen kẽ giữa trực tiếp và trực tuyến, học cách sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ hỗ trợ giảng dạy, cũng như chú trọng hơn tới sức khoẻ tâm thần của học sinh. Song, thực tế, việc chú trọng tới sức khoẻ thể chất và tâm thần của giáo viên cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khuyến cáo, giáo viên cần dành thời gian để thư giãn. Giáo viên cần nghĩ về điều giúp cải thiện tâm trạng và vượt qua căng thẳng như: Chơi với con, đi dạo, nói chuyện với bạn bè, chăm sóc cây, đọc sách hay thử một công thức nấu ăn mới.

Tạo không gian để nghỉ ngơi. Thời gian dành cho những hoạt động này cũng quan trọng như dành cho công việc. Tất cả nhằm giúp các nhà giáo cảm thấy tràn đầy năng lượng.

Bên cạnh đó, hãy lên kế hoạch cho tương lai. Đặc biệt là khi các trường mở cửa trở lại sau hai năm thường xuyên bị gián đoạn do Covid-19, giáo viên sẽ xuất hiện hàng triệu câu hỏi về việc làm thế nào để tương tác với học sinh và giúp các em bắt nhịp trở lại với trường lớp.

Khi đó, nhà giáo cần lên danh sách tất cả các công việc và hoạt động trong ngày hoặc tuần từ sớm. Sử dụng sổ kế hoạch hằng ngày hoặc sổ ghi chép để lập kế hoạch cho tuần mới. Đặt ra những mục tiêu nhỏ và có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Việc này sẽ giúp quản lý thời gian tốt hơn và giảm căng thẳng khi có quá nhiều việc ngoài kế hoạch.

Một phương pháp khác để chăm sóc sức khoẻ tâm thần của bản thân là đặt ra ranh giới. Cụ thể, hãy chú ý đến cảm giác của bản thân trong các hoạt động hằng ngày. Đồng thời, lắng nghe những tín hiệu cho biết rằng, có điều gì đó đang không phù hợp với bản thân.

Giáo viên cũng nên dành thời gian để chuẩn bị cho việc giảng dạy và những khoảng thời gian khác. Có thể cân nhắc sắp xếp để có một khoảng thời gian dành riêng cho việc giúp đỡ, hỗ trợ học sinh ngoài giờ học trên lớp. Đảm bảo học sinh và phụ huynh hay người chăm sóc biết thời điểm nào là tốt nhất để liên lạc.

Giáo viên có thể thiết lập và tuân theo quy định: “Không sử dụng các thiết bị công nghệ” trong khoảng thời gian trước khi đi ngủ. Khi đó, hãy đảm bảo sẽ không kiểm tra email và tin nhắn. Có thể cân nhắc việc đặt lời nhắc để ghi nhớ những ranh giới mà mình đã đặt ra.

Nếu cảm thấy người khác không tôn trọng những ranh giới này, hãy nghĩ ra những cách để có thể trò chuyện với họ một cách nhẹ nhàng và tôn trọng. Đồng thời, chia sẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tâm thần và cách ranh giới giúp thực hiện điều đó.

Trong trường hợp đang cảm thấy quá tải, giáo viên có thể chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Ảnh minh hoạ

Trong trường hợp đang cảm thấy quá tải, giáo viên có thể chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Ảnh minh hoạ

An toàn cho bản thân và người xung quanh

Theo UNICEF, giáo viên cần chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất, cũng như tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần nếu có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng hoặc kiệt sức. Cảm giác mệt mỏi và không vui khác với trầm cảm. Các dấu hiệu chính của trầm cảm, lo lắng, kiệt sức và những vấn đề sức khỏe tâm thần khác cần đến hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên biệt.

Nếu không được điều trị, những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của các nhà giáo. Do đó, nhận biết những dấu hiệu này và tìm kiếm hỗ trợ y tế hoặc tâm lý là bước đầu tiên giúp giáo viên cảm thấy tốt hơn. Đồng thời, ngăn ngừa tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn có thể gây đe doạ bất kỳ lúc nào, việc tiêm vắc-xin được cho là vô cùng cần thiết. Vắc-xin bảo vệ mọi người khỏi lây nhiễm Covid-19 nặng đến mức phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.

Vắc-xin cũng có thể giảm bớt lo lắng về an toàn khi giáo viên thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. Việc tiêm vắc-xin đồng thời giúp bảo vệ gia đình, học sinh và phụ huynh.

Cũng theo UNICEF, giáo viên cần tiếp thu những kỹ năng mới và đánh giá cao những kỹ năng mình đang có.

“Các giáo viên trên thế giới phần lớn không được chuẩn bị để có thể hỗ trợ việc học tập liên tục, phần nhiều do những hạn chế về kỹ năng kỹ thuật số. Tiếp thu và thành thạo các kỹ năng mới sẽ giúp giáo viên trở nên chuyên nghiệp, mang lại sự tự tin và thoải mái hơn trong công việc.

Giáo viên có thể đăng ký các khóa học, hội thảo trực tuyến hoặc xem video để nâng cao kỹ năng kỹ thuật số của bản thân và thích nghi với các phương pháp giảng dạy thay thế. Hãy đánh giá cao các kỹ năng mà mình đã có. Chúng có thể giúp học hỏi thêm nhiều điều hơn nữa”, UNICEF cho biết.

Trong trường hợp đang cảm thấy quá tải, giáo viên được khuyến khích chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Việc trò chuyện với người giám sát hoặc lãnh đạo ở trường sẽ giúp họ hiểu và hỗ trợ nhà giáo.

Thực tế, một mối quan hệ lành mạnh sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến học sinh. Trong khi đó, việc vận động cơ thể cũng được coi là không thể thiếu để duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giáo viên cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn suốt cả ngày, ngủ ngon hơn vào ban đêm, có trí nhớ sắc bén.

Đồng thời, giúp cảm thấy thoải mái và tích cực hơn. Thậm chí, chỉ cần đi bộ nhanh 10 phút cũng giúp cải thiện tâm trạng và nhận thức rõ về sức khỏe tâm thần lẫn thể chất. Nếu không thể đến phòng tập mỗi ngày, các giáo viên có thể chơi với con hoặc tổ chức một bữa tiệc khi đã hoàn thành công việc trong ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ