Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu

GD&TĐ - Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP, thuộc UNESCO) vừa họp tại Huế chính thức công nhận hai di sản là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) của Việt Nam trở thành di sản tư liệu thế giới. 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu

Sự kiện này không chỉ chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc một giai đoạn trong lịch sử của dân tộc mà còn là trách nhiệm bảo tồn một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu.

Tài sản vô giá

Trong 16 bộ hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 có 14 bộ hồ sơ được công nhận. Cả 2 hồ sơ của Việt Nam được đánh giá cao và đều được công nhận trong dịp này.

Ngoài 2 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhân di sản thế giới thì vào các năm 2009 và 2014, hệ thống Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn cũng đã trở thành Di sản tư liệu thế giới. “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” vốn được xem là những tác phẩm đỉnh cao, phong phú, thể hiện trên vật liệu gỗ, đá, đồng hay pháp lam bằng nhiều chất liệu khác nhau như xương, tráng men rồi sơn son thếp vàng…

Theo giới chuyên môn đánh giá, thơ văn trên kiến trúc cung đình là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo của triều đình nhà Nguyễn và không tìm thấy ở một triều đại nào trước đó cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mộc bản trường học Phúc Giang được xem là một trong những tư liệu độc bản, duy nhất còn sót lại ở Việt Nam, được dòng họ Nguyễn Huy (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) lưu giữ gần 250 năm nay.

Đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bậc toàn cầu. Những thư tịch cổ này cung cấp cho thế hệ hậu sinh vô số thông tin quý báu để xác định niên đại của vùng đất, nguồn gốc xuất xứ của di tích với biết bao câu chuyện ẩn chứa những thông điệp từ quá khứ. Làm sao để vừa bảo quản, vừa phát huy được giá trị khối di sản này, vẫn là trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu.

Tìm tòi cách thức bảo tồn hiệu quả

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế TS Phan Thanh Hải, vấn đề lưu trữ di sản tư liệu không đáng lo bằng việc đưa những giá trị của di sản đến với công chúng Việt Nam và thế giới. Bởi di sản tư liệu hàm chứa rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng hầu hết lại được viết bằng chữ Hán - Nôm nên tạo ra một khoảng cách lớn với người muốn tìm hiểu. Vì thế cần đưa những di sản tư liệu đến với các viện nghiên cứu, trường đại học để các nhà nghiên cứu, sinh viên có điều kiện tìm hiểu. Hơn nữa, khi chuyển sang chữ quốc ngữ hay các thứ tiếng khác cũng cần chuyển tải một cách phổ cập, khoa học, dễ tiếp thu.

Chính vì thế, sau khi “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được công nhận là di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, thậm chí cả dựng chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch xây dựng và chủ động quảng bá thương hiệu “Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.

Theo các cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, phần lớn các di sản tư liệu ở Việt Nam đều được viết bằng chữ Hán – Nôm, để đông đảo công chúng có thể tiếp cận, tìm hiểu, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc về loại chữ này, từ đó tiến hành biên dịch, sao lưu, số hóa và chuyển thể sang nhiều thứ tiếng khác nhau phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của những người trong, ngoài nước muốn tìm hiểu, nghiên cứu, mà không cần phải tìm đến dữ liệu gốc. Đây cũng là biện pháp giúp bảo quản tốt nhất tư liệu gốc mà vẫn phát huy được giá trị của di sản tư liệu.

- Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO (Chương trình MOW): Là một chiến lược hợp tác quốc tế nhằm giữ gìn, bảo vệ và tạo sự tiếp cận cũng như sử dụng phổ biến các di sản tư liệu, đặc biệt là những di sản quý hiếm và đang bị lâm nguy, được UNESCO phát động từ năm 1992. Chương trình MOW công nhận những di sản tư liệu có ý nghĩa tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, duy trì việc đăng ký và trao tặng logo nhằm nhận diện các bộ sưu tập là di sản tư liệu.

- Tổng cộng nước ta có 6 di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Di sản Tư liệu thế giới. 4 di sản được công nhận trước đây là: Mộc bản triều Nguyễn; Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442 - 1779); Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang); Châu Bản triều Nguyễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ