(GD&TĐ) - Phố cổ được coi là nét văn hoá độc đáo của thủ đô. Những người nặng lòng với Hà Nội rất xót xa khi phải chứng kiến phố cổ Hà Nội xập xệ và bị xuống cấp, mái sập, tường lở vữa… Nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tồn tại trong khu vực này vài ba trăm năm cũng đang xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, bảo tồn, cải tạo như thế nào đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Nhịp sống phố cổ Hà Nội |
Những ngôi nhà cổ bị “cơi nới”
Theo thống kê, hiện phố cổ có hơn 1.000 ngôi nhà có giá trị kiến trúc cần được bảo tồn, tôn tạo; 90 di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng; 22 di tích cách mạng. Với dân số khoảng 66.000 người và 15.000 hộ dân đang cư trú, trong đó đa phần là người dân định cư có thời gian hơn 30 năm.
Phố cổ Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia cần được bảo vệ, tôn tạo đặc biệt. Thực tế hiện nay, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một phần do người dân tự ý cải tạo, nâng cấp, thậm chí ngang nhiên phá bỏ để xây dựng nhà ống bằng bê tông cốt thép làm biến dạng, phá vỡ cảnh quan những ngôi nhà cổ vô cùng giá trị này. Những chủ nhân của ngôi nhà cổ nằm trong diện cần được bảo tồn đặc biệt vẫn “thản nhiên” đục đẽo, cơi nới và đập bỏ không chút tiếc nuối.
Anh Lê Văn Tá, người dân sống trên phố Trần Nhật Duật bức xúc: “Hầu như ngày nào cũng có nhà đập phá, sửa chữa, trong khi đó, khu phố này nhiều nhà cổ đã được xếp vào diện cần được bảo tồn nghiêm ngặt, cấm cơi nới, xây dựng. Những chủ nhân sẵn sàng đập bỏ dãy nhà cổ chung mái ngói, chung tường với nhau bằng cách tháo dỡ ngói, cắt phần khung gỗ do mình đang làm chủ và thay vào đó là ngôi nhà 5 tầng cao ngất”.
Nhiều người sống trong phố cổ khi được hỏi đều than thở: Chúng tôi đã quá mệt mỏi khi phải đối mặt với điều kiện sống ngày càng xuống cấp và đã có nhiều người chuyển đi nơi khác, mặc dù họ vẫn giữ nhà ở đây để buôn bán và chờ thời cơ. Còn nhiều gia đình sống sâu trong các ngõ không có điều kiện di chuyển vẫn phải chịu cảnh chật hẹp, tối tắm, ẩm thấp và hôi hám…
Có đến đây mới thấy, tình trạng các khu nhà không có nhà vệ sinh riêng chiếm đến trên 50%, họ phải dùng nhà vệ sinh chung với vài hộ gia đình khác. Bên cạnh đó, các công trình phụ khác như nhà tắm, nhà bếp cũng trong tình trạng tương tự. Việc thiếu thốn, chật chội đã dẫn đến việc các gia đình sống nơi đây luôn phải tìm mọi cách để mở rộng diện tích. Tuy nhiên do diện tích hẹp và cũng do là khu phố cổ nên để có được những điều tối thiểu đó không đơn giản, thế là họ đành phải làm theo cách riêng của họ: Ngăn chỗ này một ít, nới chỗ kia một tẹo.
Cần được bảo tồn, phục dựng
Quy chế quản lý phố cổ Hà Nội đang được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội soạn thảo, với những thể chế quan trọng và cũng nhận được sự kỳ vọng từ giới chuyên gia. Hà Nội sẽ tập trung bảo tồn, phục dựng lại 273/1.153 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt. Đây là những ngôi nhà có kiến trúc ống, nhiều lớp, nằm tại các phố nghề truyền thống còn giữ được nhiều giá trị vật thể và phi vật thể.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng: Từ lâu các nghiên cứu về khu phố cổ đều khẳng định, bản thân giải pháp kiến trúc, cấu trúc đô thị trong khu phố cổ hiện nay có cả quá trình diễn biến hơn 1.000 năm nay. Thời gian vừa qua, do công tác quản lý của chúng ta chưa theo kịp với nhu cầu cuộc sống người dân nên không gian kiến trúc có phần thay đổi.
Thời gian tới, chúng ta bảo tồn theo phong cách nào, bảo tồn đa dạng và số lượng bao nhiêu thì cần cân nhắc xem xét và lấy ý kiến rộng rãi. Điều quan trọng để bảo tồn, tôn tạo được khu phố cổ, là làm sao để cuộc sống của những người dân không bị gạt ra ngoài vòng quay của sự phát triển.
Cần chú trọng đến vai trò người dân và cộng đồng tại đây bởi hơn ai hết họ là những người sống trong không gian kiến trúc này. “Thể chế đầy đủ nhưng vai trò cộng đồng tham gia đặc biệt quan trọng. Cộng đồng ở đây không chỉ là người bị quản lý. Cộng đồng là người tham gia xây dựng từ quy chế, thấy giá trị khu phố. Nội dung xác định trong luật hiện hành nhưng cần tuyên truyền cho người dân hiểu. Không chỉ yêu cầu người dân có trách nhiệm mà họ phải có quyền lợi bảo tồn phố cổ này. Khu phố cổ có nhiều dự án nhưng quan trọng phải nâng chất lượng cuộc sống người dân lên. Chỉ khi họ thấy quyền lợi thiết thực, họ sẽ cùng tham gia bảo tồn. Do đó, khi đề xuất dự án và quan trọng là giám sát việc thực hiện dự án đó. Giám sát không chỉ chính quyền địa phương mà cả người dân. Đó là vai trò cộng đồng”.
Mong rằng, các cấp chính quyền TP và các cơ quan có trách nhiệm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn, tôn tạo những di tích lịch sử, khu phố cổ trước khi nó có nguy cơ bị biến dạng. Mặt khác, cần xử lý thích đáng những trường hợp ngang nhiên phá dỡ nhà cổ để xây nhà kiên cố bằng bê để giúp người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước còn có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ ở khu phố cổ.
Hải Đăng