Bảo tồn di tích tại TPHCM: Đừng loay hoay rồi lãng quên

Bảo tồn di tích tại TPHCM: Đừng loay hoay rồi lãng quên

Vướng vì kinh phí

Báo cáo mới nhất của UBND TPHCM cho thấy, từ năm 2009 đến nay, thành phố đã bố trí kinh phí hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 32 di tích với tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Nguồn vận động xã hội hóa trong tu bổ di tích đạt khoảng 400 tỉ đồng với hơn 20 di tích. Trong đó, chủ yếu là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù đạt được một số kết quả trong việc bảo tồn di tích, song UBND TPHCM đánh giá các nội dung (10 nội dung) mà chương trình bảo tồn di tích của thành phố (ban hành 2013) vẫn chưa như mong muốn.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhìn nhận, những hạn chế trên là do các đơn vị thực hiện còn bị động; Chưa kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì thế, kết quả công việc chưa đạt yêu cầu. Chính việc chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều năm nay, một số công trình di sản bị xâm lấn, tranh chấp hoặc chưa được trùng tu, bảo vệ đúng mức khiến xuống cấp nghiêm trọng.

Điển hình như đình Nam Tiến (Quận 4), cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (Quận 3), Nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển (Quận Bình Thạnh)… dù báo chí và các ban ngành chức năng thường xuyên nhắc tới nhưng đến nay những di tích nêu trên vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nhìn nhận kinh phí là một trong những nguyên nhân chính khiến cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử chưa như mong muốn, ông Nguyễn Văn Đạt - Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cho biết: “Không ít di tích đã và đang xuống cấp nặng nhưng nguồn vốn trùng tu chưa đạt yêu cầu. Thủ tục trùng tu rườm rà nên vốn sửa chữa ngày càng tăng cao. Đến khi được phê duyệt ngân sách thì số tiền ấy đã không còn phù hợp. Đặc biệt là hệ thống pháp luật về bảo tồn di sản chưa đồng bộ, cơ sở pháp lý cải tạo và phục hồi chưa rõ khiến cho những hạn chế trong công tác quản lý, bảo tồn di tích ngày càng bộc lộ”.

Ông Lê Tôn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM cho rằng, nếu cứ dựa vào nguồn vốn ngân sách thì mỗi năm chỉ có 3 - 5 di sản, di tích được trùng tu. Như vậy đến khi nào hơn 172 di tích mới được trùng tu, tôn tạo, chưa kể có nhiều điểm khác cần bảo tồn? “Hiện, trên trên địa bàn có 172 di tích đã xếp hạng. 

Trong đó, số di tích cần bảo tồn, trùng tu hàng năm đều trên dưới 10 đơn vị. Nếu không có các văn bản quy phạm pháp luật mở, thúc đẩy nguồn kinh phí từ xã hội cho công tác trùng tu, bảo tồn và khai thác di sản, sẽ rất khó để TPHCM thoát khỏi những bất cập hiện nay”, ông Thanh nói.

Cơ quan quản lý vẫn loay hoay

Thực tế, hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đều phối hợp thực hiện kiểm kê và tổ chức đánh giá xác định niên đại, giá trị thẩm mỹ, khoa học hiện vật thuộc các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích sau quá trình rà soát đã được tu bổ, tiếp tục phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử mang trên mình như: Hội quán Nhan Hương, trụ sở UBND TPHCM; đình Chí Hòa, chùa Giác Viên, đình Phú Nhuận, mộ cụ Phan Chu Trinh...

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của nhiều di tích trên địa bàn chưa đạt. Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng, thành phố có thứ vũ khí quan trọng số 1 để bảo vệ di sản, đó là quy hoạch. Trong quy hoạch, có quy định rất rõ vùng nào cần được giữ lại để bảo tồn, vùng nào được phép phát triển. Giữ lại một khu biệt thự, không đơn thuần là vấn đề bảo tồn mà nó còn là giữ cảnh quan môi trường chung cho đô thị đó. Nếu có kiến thức và hiểu biết về di sản, vũ khí này sẽ phát huy được sức mạnh của nó.

“Đáng tiếc những kiến thức của đội ngũ quản lý nhà nước nói chung về lĩnh vực này không theo kịp sự phát triển. Kết quả dẫn đến việc quản lý về vấn đề này chậm so với yêu cầu. Thiếu kiến thức, quyết tâm bảo tồn không đủ mạnh, cho nên mới không giữ được các công trình quan trọng tiêu biểu của TP” –TS Cương nhận định.

Đại diện Phòng Quản lý di sản văn hóa Quận 1 cho biết, với di tích lịch sử cấp quốc gia, việc sửa chữa phải xin phép và được cấp kinh phí từ Bộ VH-TT&DL nhưng thủ tục lại rất nhiêu khê. Đơn cử như Quận 1, phải mất 6 năm mới hoàn tất thủ tục sửa chữa chùa Ngọc Hoàng. 

Năm 2013, UBND Quận 1 xin phép sửa chữa mái ngói chống dột, kinh phí khoảng 4,8 tỉ đồng. Sau khi trình Bộ VH-TT&DL, mãi đến năm 2019, Quận 1 mới tìm được đơn vị đủ điều kiện thi công đấu thầu. Lúc này, kinh phí được duyệt từ năm 2013 không còn phù hợp.

Để khắc phục những bất cập, tránh tình trạng mãi loay hoay trong “bài toán” bảo tồn và phát triển di tích, TS Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM cho rằng, cần phải nhanh chóng hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản pháp lý về phân cấp quản lý di tích, quy chế quản lý đầu tư tu bổ di tích. Đẩy nhanh chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn. 

Song song đó là xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích của TPHCM đến năm 2030, từ đó chọn danh mục di tích có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, truyền thống… để có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Cuối cùng là TP cần giải quyết hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội và lợi ích riêng của các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng công trình di tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ