Con số 87% phụ nữ và trẻ em từng bị quấy rối, 34% phụ nữ (PN) (từng kết hôn) cho biết họ từng bị bạo hành, 58% PN từng chịu đựng một lần bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần… không phải là thống kê vô hồn.
Nhìn những người mẹ chở con đi học, những bà nội trợ tất tả đi chợ nấu cơm, thầm hỏi trong số họ có những ai vừa phải chịu lời nặng nhẹ, xúc phạm hay đánh đập trong chính tổ ấm của mình, nhưng vì nghĩ rằng mình phải nhịn cho êm cửa êm nhà, phải tránh cho con cái nhìn thấy, phải giấu diếm, phải nín nhịn vì sợ hàng xóm tò mò, dòm ngó, chê bai… mà đành chọn sự im lặng chịu đựng?
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Đó là báo động của Bộ Lao động-thương binh và xã hội về tình trạng quấy rối, bạo hành PN, trẻ em. Nhưng ít có người PN nào dám lên tiếng về nạn bạo hành trong gia đình mình, với bản thân mình và với các con. Càng ít ỏi hơn nữa những người dám tố cáo chuyện bạo hành tình dục.
Người ta mặc định rằng đó là chủ đề cấm kỵ, như thể mặc định rằng đàn ông có quyền làm thế. Đàn ông chỉ huy, PN phục tùng. Sự bất phục tùng là đáng trừng phạt. Nhưng sự trừng phạt khủng khiếp nhất chính là sự im lặng của PN - sự im lặng chấp nhận và do đó duy trì mãi mãi sự áp bức trừng phạt kéo dài từ thế hệ trước đến thế hệ sau.
Không tránh né những con số đáng buồn, một thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội nhận xét: “Bạo lực đối với PN và trẻ em gái ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong gia đình tới cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý bạo lực tình dục đối với PN và trẻ em gái còn gặp nhiều khó khăn”.
Khó khăn đầu tiên có lẽ vẫn là sự im lặng, mặc cảm, xấu hổ. Chỉ có thể khắc phục được, vượt qua được khó khăn này nếu thay đổi được nhận thức của chính chị em, “chủng ngừa” được loại vắc-xin chống bạo hành trong mỗi con người, để cánh cửa của gia đình không nuốt chửng tiếng kêu than hay lời thì thầm oán thán.
Với bạo hành gia đình, chúng ta vẫn quen với cách xử lý sau khi có biến cố. Ở đâu xảy ra vụ ồn ào, đánh đập, người ta mới can thiệp vào. Mà cũng ít ỏi lắm, vì có khi cho rằng đó là chuyện riêng trong gia đình người ta, là chuyện “chồng dạy vợ”, “cha dạy con”, việc gì phải can thiệp.
Nhưng có khi vì sự can thiệp của chính quyền, của Hội, người PN bị đẩy từ chỗ là nạn nhân của vụ bạo hành vừa diễn ra, tới chỗ xa hơn: là nạn nhân tiềm năng, là mục tiêu của lời đe dọa, rằng “vì cô mà tôi mới bị…”, rằng “mày mà kêu lên tao giết…”.
Nhiều chị em không dám tìm đến sự trợ giúp từ bên ngoài, bởi nó làm cho hoàn cảnh của họ căng thẳng hơn, bạo lực nặng nề hơn. Tấm màn im lặng càng đáng sợ hơn trước.
Cần lập ra những nơi chăm sóc y tế, sức khỏe cho PN, và thông qua các hoạt động này, thắp lên trong họ ngọn lửa tự vệ, chỉ cho họ con đường thoát khỏi bạo hành. Cần những nơi hỗ trợ tư vấn tâm lý, giúp chị em vượt qua nỗi sợ hãi, từ đó vượt qua sự phục tùng vô điều kiện.
Cần tuyên truyền, giáo dục, thay đổi suy nghĩ của mọi người, trong từng khu phố, từng làng xóm, từng cụm nhà, về bạo lực gia đình, giúp họ nhận thức và có thái độ phê phán đối với những hành vi bạo hành phụ nữ trẻ em.
Và trên hết, đừng giấu những con số này trong những tập báo cáo dày cộp và rối rắm thống kê, xin hãy để nó phơi ra giữa ánh sáng cuộc sống, rằng một trong những hình thức bạo lực vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất vẫn đang tồn tại, cần báo động, cần phản kháng ngay từ khi nó mới manh nha.
Nhân loại đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết chuyện trong nhà, rất có thể sẽ trở thành những người lớn mang sẵn xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề khác.
Bạo lực sử dụng trong gia đình, với vợ, với con – với những kẻ yếu thế hơn mình, có thể coi như một hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội. Nó đang tồn tại, 1/3 hay 34% là một tỷ lệ rất lớn, nếu thử kể ra ba người PN trong một gia đình, sẽ thấy mức độ trầm trọng của tệ nạn này, ba người PN ấy có thể là bà, là mẹ, là chị hay em gái của mỗi chúng ta…