Bao giờ hết chuyện trả lại danh hiệu di tích

Bao giờ hết chuyện trả lại danh hiệu di tích

(GD&TĐ) - Câu chuyện hàng trăm hộ dân làng cổ Đường Lâm kí đơn đòi trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia chưa kịp lắng xuống, thì những ngày đầu tháng 7/2013 dư luận lại thêm một lần nữa bất ngờ với thông tin người dân phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) đòi trả lại danh hiệu di tích quốc gia để cải tạo ngôi nhà có danh di sản nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không thể tiếp tục sinh sống. Đây giống như một “thông điệp” gửi đến các đơn vị chức năng cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa, cần có những động thái phối hợp tích cực từ người dân và chính quyền để di sản phát triển bền vững.

Nhiều nhà cổ lợp mái ngói âm dương rất đặc biệt. Ảnh: VNphoto
Nhiều nhà cổ lợp mái ngói âm dương rất đặc biệt. Ảnh: VNphoto

Phố cổ Đồng Văn (huyện Đồng Văn) được hình thành vào đầu thế kỷ XX, đoạn phố cổ này có kiến trúc giao thoa nửa bản địa, nửa mang sắc thái kiến trúc Trung Hoa. Đây là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng bởi những nét độc đáo riêng của vùng núi cao nguyên đá miền biên giới phía bắc. Phố cổ còn giữ được khoảng 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Những ngôi nhà trên dãy phố được làm theo kiến trúc mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, cột kèo rui mè, chủ yếu được làm từ các loại gỗ quý như lim, nghiến, pơ mu... Vì thế, cả trăm năm tồn tại, ngôi nhà vẫn giữ được dáng dấp như khi nó mới sinh ra.

Tuy nhiên, hiện có 18 nhà đang trong tình trạng xuống cấp. Người dân sống trong những ngôi nhà cũ, gặp nhiều khó khăn bất tiện vì phải giữ nguyên hiện trạng nhà và không đủ kinh phí để sửa chữa, cơi nới theo đúng kiểu kiến trúc cổ.

Chính quyền địa phương cũng khảo sát hiện trạng từng ngôi nhà, đưa ra định hướng để bảo tồn… nhưng vẫn dừng ở khảo sát. Nguyên nhân chính cho sự “dậm chân tại chỗ” này là: Chưa có kinh phí. Vì thế, những người mới ngày nào từng tự hào về phố cổ của mình, nhà cổ của mình, thì nay quay lại “sợ” chính cái mình đã từng tự hào đó.

Từ làng cổ Đường Lâm đến nhà cổ Đồng Văn đề nghị trả lại danh hiệu cao quý đã thực sự báo động về công tác quản lý di sản hiện nay. Các cơ quan văn hoá và bảo vệ di sản luôn phản ứng chậm với sự xuống cấp hàng ngày của các di tích vốn phân tán trong các địa phương, lại càng chậm hơn nữa nếu muốn có kinh phí sửa chữa.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một tiêu chí chung trong quy hoạch di sản, cũng như không có điều luật nào điều chỉnh phố cổ, nhà cổ. Tình trạng bất hợp lý trong bảo tồn di tích vẫn kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không đưa ra được giải pháp cần thiết. Làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn là những di sản “sống” cần được ứng xử hoàn toàn khác những di sản trên hồ sơ, di sản “chết”. Bảo tồn di sản văn hóa nếu không đảm bảo đời sống của người dân, không đem lại lợi ích cho chủ thể di sản, ắt sẽ bị người dân chối bỏ. Có lẽ chỉ khi nào việc quy hoạch bảo tồn và quản lý các khu di tích có hiệu quả, người dân địa phương được hưởng lợi ích từ di tích mà mình đang sống và giữ gìn, thì khi đó người dân mới nói không với việc trả lại di tích. Đây là câu hỏi khó cho các nhà quản lý di tích văn hóa.

Đăng Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.