Bao giờ bố mẹ… nghỉ hè?

GD&TĐ - Vừa hết tháng Sáu, nhóc con nhà tôi thỏ thẻ: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ nghỉ hè?”. Tôi dừng việc ngỡ ngàng nhìn con. Không thấy mẹ trả lời, con quay sang hỏi chồng tôi một câu y nguyên vậy: “Bao giờ bố mới nghỉ hè? Sao không ai chịu nghỉ hè để chơi với tụi con?”. Chồng tôi cũng ngỡ ngàng. Nụ cười của anh nhìn như mếu.

Bao giờ bố mẹ… nghỉ hè?

Biết trả lời con trẻ ra sao đây? Một tháng trời trong khi chúng chỉ ăn, ngủ và chơi một cách tự do nhất thì bố mẹ chúng vẫn nai lưng đi làm. Vẫn sáng ra khỏi nhà từ rất sớm, tối về nhà trong trạng thái uể oải, mệt mỏi. Vậy nên chồng tôi giải thích nhát gừng: Nào là bố mẹ không phải học sinh nên đâu có được nghỉ hè, nào là bố mẹ còn phải đi làm nếu không sẽ bị cắt lương, nào là... nhiều lí do lắm. Khi người lớn đã muốn thì sẽ có muôn vàn lí do. Tôi nghe câu trả lời gượng gạo của chồng mà thấy thương bọn trẻ.

Hai đứa nhỏ nhà tôi, đứa lớn mới chín tuổi, đứa nhỏ sáu tuổi. Chúng giống như hầu hết những đứa trẻ thành phố đều được bao bọc kĩ lưỡng. Suốt cả một năm học vất vả, thương con nên tôi để chúng được xả hơi tuyệt đối trong những ngày hè. Những lớp học thêm, những lớp học kĩ năng chúng tôi không màng tới.

Tôi và chồng đều là những người đã có một tuổi thơ tự do, đẹp đẽ ở những vùng quê yên bình. Thế nên chúng tôi muốn các con được hòa nhập và tận hưởng không khí ở quê thay vì lại vùi đầu vào sách vở, ti vi hay ipad.

Tháng Sáu, khi con vừa được nghỉ thì tôi gửi con về ngoại. Nhưng chỉ được mấy ngày thì mẹ tôi ốm, phải đưa bà nhập viện. Cả nhà lo lắng cho sức khỏe của bà nên không thể để ý tới bọn trẻ được. Tôi lại chuyển chúng về nội. Ông bà nội đã lớn tuổi, rất yêu cháu nhưng cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Hay nói chính xác là ông bà chỉ có thể “chịu đựng” những trò nghịch ngợm trên trời dưới bể của hai thằng nhóc đích tôn trong một, hai tuần là bắt đầu oải. Tuy ông bà không ca thán gì, nhưng tự vợ chồng tôi hiểu, nên chúng tôi quyết định đón con về để ông bà còn có thời gian “nghỉ giải lao”.

Vậy thôi nhưng từ nhà ngoại sang nhà nội, hai đứa nhóc nhà tôi đã nghỉ được gần hết tháng Sáu. Còn chừng một tuần cuối là chúng mới phải đóng đô ở nhà, trong một căn chung cư nhỏ trong lòng thành phố chật hẹp.

Nói là để con ở nhà mình, mà thực lòng mỗi khi bước ra khỏi nhà đi làm, lòng tôi như có lửa đốt. Nếu là ở quê thì một thằng nhóc 8 - 9 tuổi hoàn toàn có thể tung tăng chạy khắp nơi khắp chốn, từ nhà nọ đến nhà kia, nhưng ở thành phố thì đó lại là cả một vấn đề. Nhất là ở khu chung cư như nhà tôi ở thì nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Bước ra phía ngoài ồn ã kia là vô vàn những nguy hiểm rình rập. Phố mà, chuyện đèn nhà ai nấy rạng là bình thường. Vậy nên, sáng dậy, tôi phải chuẩn bị sẵn đồ ăn một ngày cho con. Dặn dò và ghi ra giấy những việc cần làm trong ngày cho chúng. Tôi mua thêm một đống sách vở, giấy vẽ chúng thích để chúng còn đọc sách, vẽ vời ngoài việc xem ti vi hay cắm mặt vào ipad. Chồng tôi buộc phải lắp camera để hai người đi làm ở ngoài theo dõi hai thằng con đang ung dung tự tại nghỉ hè... Đúng là mùa hè con trẻ thì được tự do, sung sướng mà bố mẹ thì lo lắng vô cùng.

Và tối nay, chừng đã chán với việc hai anh em trông nhau và chơi với sách vở, ti vi trong một không gian hẹp, chúng quay sang hỏi bố mẹ rằng bao giờ bố mẹ nghỉ hè để chơi với chúng? Cả tôi và chồng đều bận túi bụi với công việc. Để được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần ở nhà đã là một cố gắng lớn, nói gì đến việc được nghỉ cả một mùa hè như các con.

Nghĩ mà thương những đứa trẻ thành phố. Mùa hè rực lửa lại rảnh rỗi. Cha mẹ nào cũng tìm một nơi nào đó gửi gắm để an tâm đi làm. Những đứa trẻ vốn to ngộc nghệch nhưng lại ít va chạm và ít kĩ năng sống đời thường. Có những đứa cha mẹ đành cho đến những lớp học thêm, theo những khóa học này kia như một cách có nơi trông chừng hộ lũ trẻ.

Thương những tuổi thơ lớn lên ở nơi đô thị hóa cao độ với những khối bê tông cao ngất trời. Ngoài gửi con về quê cho ông bà, gửi con ở những lớp học hè, thì hẳn có nhiều nhà cũng như nhà tôi để chúng tự trông nhau và chỉ còn biết giám sát hàng ngày qua camera mà thôi.

Còn một tháng hè nữa. Chúng ta vẫn hàng ngày ta thán con trẻ học nhiều quá. Nhưng đó, khi con trẻ nghỉ ngơi, chúng ta còn lo lắng khôn nguôi. Vậy nên, suy cho cùng có nơi nào tốt hơn cho chúng khi không được ở trường với các thầy cô giáo? Nơi đó, các con vừa được học kiến thức, vừa được rèn giũa những kĩ năng cơ bản trong cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.