(GD&TĐ) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng đất trẻ, giàu tiềm năng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều cộng tác viên tích cực, gắn bó với báo GD&TĐ, Tạp chí Tài hoa trẻ, như: Xuân Lê, Bùi Văn Bồng, Phù Sa Lộc, Đặng Hoàng Thám, Tôn Thất Lang, Phạm Văn Thúy, Nguyễn Hồng Chuyên, Huỳnh Hải, Phạm Tâm, Nắng Xuân (Cần Thơ), Lê Đức Đồng, Cao Nguyên, Cao Thị Thanh Mai (Sóc Trăng), Đặng Văn Ấu, Nguyễn Văn Nguyện (Hậu Giang), Nhất Định Được (An Giang), Quân Tuấn,Thai Sắc, Biên Soạn (Đồng Tháp), Võ Tấn Cường , Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Thanh Xuân (Kiên Giang), Văn Kim Khanh, Hồ Tĩnh Tâm (Vĩnh Long), Đỗ Tấn Lực (Cà Mau), Nguyễn Thị Hạnh (Bến Tre)… Trong số đó có những người là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, bộ đội, sinh viên cộng tác với nhiều tờ báo nhưng vẫn ưu ái dành những bài có chất lượng cho báo GD&TĐ và Tạp chí Tài hoa trẻ.
Bên cạnh mặt biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt trong ngành, báo GD&TĐ cũng rung chuông cảnh báo, phê phán những hiệu tượng yếu kém của giáo dục ĐBSCL, sự sa sút, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo và học sinh…
Vì thế, những mặt tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nạn tiêu cực trong đấu thầu, xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học… bị đẩy lùi. Tỉ lệ thi Tốt nghiệp THPT của các tỉnh ĐBSCL đã đúng thực chất. Việc học thật, thi thật được lấy lại. Nạn “dạy thêm học thêm” tràn lan, nạn “đọc – chép” giảm mạnh.
Và giờ đây nhiều trường đang làm tốt cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, gắn với phong trào “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Việc dạy chữ, dạy người, dạy nghề luôn có sự phối kết hợp hài hòa ở nhiều trường, nhiều địa phương ĐBSCL.
Nhờ có báo GD&TĐ phản ánh và biểu dương kịp thời mà nhiều trường ở ĐBSCL đã được chính quyền địa phương quan tâm hơn: Xóa phòng học tranh tre nứa lá, xóa các lớp học ca 3, đẩy mạnh tiến độ thi công kiên cố hóa trường lớp, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, chú ý hơn chương trình 134, 135 cho đồng bào vùng dân tộc Khmer Nam Bộ.
Đặc biệt nguồn hỗ trợ trích từ 50% tiền xổ số kiến thiết của địa phương dành ưu tiên cho giáo dục và y tế được thực hiện tốt. Nhiều tổ chức khuyến học từ thiện, nhiều dòng họ, gia đình hiếu học, nhiều Mạnh Thường Quân… đã chung tay góp sức chăm lo cho sự nghiệp GD khu vực ĐBSCL.
Nhiều địa phương đã huy động tốt học sinh Mẫu giáo, Tiểu học và lớp đúng độ tuổi, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục THCS, THPT. Riêng TP Cần Thơ đã kết nghĩa với 5 TP lớn trong cả nước để làm tốt các tiêu chí mà Bộ GD&TĐ đặt ra trong thi đua và nhiều năm được xếp vào tốp dẫn đầu.
Chương trình Mê Kông 1000 của ĐBSCL sẽ đưa cán bộ, sinh viên ưu tú trong 5 năm, góp phần tăng tốc nhóm những người có trình độ tri thức cao cho khu vực còn thiếu rất nhiều “chất xám” này, để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với ĐBSCL.
Đồng thời, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã có những chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, ưu ái kêu gọi những cán bộ trẻ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ ở khắp mọi miền đất nước về với vùng đất nước.
Và giờ đây, hầu như tỉnh nào ở ĐBSCL cũng có trường Đại học chính thức hoặc liên kết với các trường Cao đẳng để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học cho khu vực, trong đó rất chú ý việc cử tuyển người dân tộc vào đại học, đi du học nước ngoài. Tất cả những việc làm trên của GD khu vực ĐBSCL đều được báo GD&TĐ quảng bá, động viên hỗ trợ rất kịp thời.
Lê Xuân Bột