Báo GD&TĐ đến với trò nghèo vùng cao Đạ Huoai

Báo GD&TĐ đến với trò nghèo vùng cao Đạ Huoai

(GD&TĐ) - Trước thềm năm học mới, chương trình “Tiếp sức đến trường” của Báo Giáo dục và Thời đại đã đến với vùng đất khó nơi cửa ngõ phía Nam Lâm Đồng - huyện Đạ Huoai.

Bàn giao SGK cho đại diện các trường
Bàn giao SGK cho đại diện các trường

Hành trình xuyên màn mưa

Đã nghe rất nhiều về những khó khăn và thiếu thốn của học sinh người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, nhưng có vượt hành trình hơn 200 km về với vùng đất mà người Pháp đặt những dấu chân đầu tiên khi khai phá cao nguyên này, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn còn hằn sâu nơi đồng bào dân tộc nhiều đến nhường  nào.  Nền kinh tế phụ thuộc tới 60% vào hoạt động trồng trọt, nương rẫy, 20% cơ cấu dân cư là người dân tộc thiểu số,  đời sống của người dân Đạ Houai vẫn còn nhiều gian nan.

Phụ huynh chung tay
Phụ huynh chung tay

Đường về Đạ Huoai không còn quá khó khăn, vất vả như những năm 80 của thập niên trước nhưng đang xuống cấp, lại gặp phải cơn mưa lớn kéo dài  do ảnh hưởng bão số 5 nên việc di chuyển của đoàn mất khá nhiều thời gian. Nhiều đoạn do đường quá xấu, nước mưa chảy xiết ngang quốc lộ khiến xe chỉ có thể di chuyển với tốc  30 km/ giờ.

Tuy nhiên, hình ảnh của không ít phụ huynh, học sinh đội mưa hàng chục km đến trước hàng giờ đồng hồ đón đoàn khiến chúng tôi thật sự xúc động. Nhìn hàng trăm phụ huynh, trong đó có không ít người trên lưng vẫn còn những gùi bắp, gùi đậu, tay chân vẫn lấm len bùn đất nắm tay con đợi đoàn, chúng tôi hiểu niềm vui mà mình mang đến cho phụ huynh, học sinh nghèo nơi đây không chỉ đơn giản là hai chữ ân tình.

Trao quà và học bổng cho học sinh
Trao quà và học bổng cho học sinh

Chị K’ Bríp - mẹ cháu K’ Thiêng người dân tộc Châu Mạ (xã Đạ Riềng) - vui mừng cho biết: “Nghe tin cháu được nhận học bổng từ ban giám hiệu trường THCS xã Phước Lộc, tôi và cháu đã đi từ lúc 10h sáng để đến đây. Dù trời mưa rất to, nhưng cảm xúc tự hào khi chứng kiến con mình được vinh danh, nhận học bổng, quà vì thành tích học giỏi thôi thúc tôi mãnh liệt. Dầm mưa, đạp xe gần 16 km cả hai mẹ con đều ướt nhưng không ai thấy lạnh. Học bổng của cháu sẽ giúp tôi có đủ tiền mua cho hai đứa mỗi cháu một bộ quần áo mới”.

Anh K’ Chảo (thôn 2, xã Đạ Ploa) - bố của em Ka Thắm, Ka Phương - cũng không giấu nổi niềm vui khi năm nay 2 con của anh đều được nhận học bổng, quà do có thành tích học tập xuất sắc. Vừa hối hả phụ đoàn bê những thùng SGK, tập viết từ xe vào hội trường giữa trời mưa như đổ nước, anh hồ hởi cho biết: "Tôi nghe tin hai con của mình đều được nhận học bổng và tập sách nên vui lắm nên sáng sớm tôi đã đạp xe chở hai cháu lên đây. Vì là lần đầu được vinh dự nhận học bổng và quà nên hai cháu hồi hộp lắm, cứ hỏi tôi đủ thứ suốt đoạn đường. Nào là có học bổng con sẽ mua cặp mới cho em, mua vải cho mẹ…

Tôi nghĩ học bổng lần này sẽ là động lực rất lớn để hai cháu tiếp tục học tập tốt hơn. Chúng tôi cảm ơn đoàn vì đã mang đến niềm vui cho các cháu".

Chắp cánh ước mơ

Em Đinh Anh Thư - Học sinh Trường THCS Hà Lâm (thôn 2, xã Hà Lâm), mồ côi cha từ nhỏ bày tỏ niềm hạnh phúc khi được nhận học bổng tiếp sức đến trường lần này. “ Ước mơ của cháu là được trở thành một cô giáo, vì thế cháu sẽ cố gắng học thật giỏi, sử dụng suất học bổng lần này thật ý nghĩa để thực hiện ước mơ của mình” - Anh Thư xúc động nói.

Còn em Ka Truyền - dân tộc Chu Ru, học sinh lớp 5 trường TH xã Đạm Ri đã nói lên những suy nghĩ rất hồn nhiên của mình: Cháu rất vui với phần quà mình được nhận, vì ngoài SGK, tập viết, học bổng em còn có một bịch sữa thật to để mang về cho hai em của mình cùng uống. Còn tiền cháu sẽ gửi bà giữ, khi nào em lớn bà sẽ mua quần áo cho em mặc”.

Ông Trịnh Xuân Thủy - PCT huyện Đạ Huoai phát biểu
Ông Trịnh Xuân Thủy - PCT huyện Đạ Huoai phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của huyện, ông Trịnh Xuân Thủy - Phó Chủ tịch huyện, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Đạ Huoai  -chia sẻ: Đạ Huoai là một huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống cũng còn nhiều khó khăn. Vì thế, những suất quà và học bổng của Báo Giáo dục và Thời đại đến với học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã kịp thời chia sẻ, động viên các em vượt khó tiếp tục học tập một cách hết sức ý nghĩa.

"Chính sự tiếp sức và động viên cho các em học sinh nghèo, học giỏi như phong trào “Tiếp sức đến trường” của Báo Giáo dục và Thời đại mà rất nhiều ước mơ tương lai tươi đẹp của học sinh nghèo đã được vun đắp, chắp cánh thành sự thật.

Được biết, trong 5 năm qua, chương trình công tác xã hội Tiếp sức đến trường của Báo Giáo dục và Thời đại, với sự đồng hành từ tấm lòng tình nguyện của CB - PV Báo và các mạnh thường quân đã đến với hàng ngàn học sinh nghèo, hàng chục thư viện trường học vùng khó các tỉnh: Long An, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh…

Cảm động biết bao không khí hân hoan, ánh mắt phấn khởi của hàng trăm học sinh dân tộc Chu Ru, Châu Mạ, K’ho khi đón nhận những phần học bổng, SGK, tập viết… Chúng tôi - những người làm báo ngành - tự nhủ, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trước sự tin yêu của cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh vùng khó…

Để góp phần thành công cho chương trình năm nay, Ban Biên tập xin chân thành cảm ơn các đơn vị đã tài trợ cho giáo dục vùng khó:

Công ty TNHH  Nestlé  Việt Nam; Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng - TPHCM; Trường ĐH Lạc Hồng - Đồng Nai; Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn; 6. Công đoàn Giáo dục Gò Vấp - TPH CM; Trường TH Lạc Long Quân (quận 11, TPHCM); 8. Trường THPT Vĩnh Viễn - TPHCM; Công ty Cổ phần Nghe nhìn Giáo dục -TPHCM; Công ty TNHH In Quảng cáo Gia Phát, TPHCM; Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh -TPHCM; Trường ĐH Sài Gòn

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.