Báo động “mầm bệnh tử thần” từ thói quen ăn uống

Một người đàn ông quê Thanh Hóa vừa nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch bị hoại tử chân tay, suy gan thận và phải thở máy do ăn thịt lợn ốm.

Báo động “mầm bệnh tử thần” từ thói quen ăn uống

Đó cũng là báo động đỏ về thói quen chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh của người dân cũng như mối đe dọa đến tính mạng từ các loại bệnh lây lan từ gia súc, gia cầm sang người.

Hoại tử chân tay, suy gan thận vì ăn thịt lợn ốm

Có mặt tại khoa Cấp cứu - bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chứng kiến bệnh nhân Đỗ Văn K. (51 tuổi, ở Thanh Hóa) nằm trên giường bệnh với khuôn mặt phù nề thâm tím, ngón chân, ngón tay bị hoại tử, xuất huyết toàn thân, hơi thở yếu ớt..., chúng tôi cảm thấy lạnh sống lưng. Lý do mà người đàn ông này nhập viện lại càng khiến nhiều người phải giật mình - đó là thói quen ăn uống thiếu an toàn.

Theo người nhà của ông K., ngày 8/8, gia đình có con lợn bị ốm. Thấy vậy, ông K. liền tự mổ thịt và chế biến. Sau 4 ngày, ông K. xuất hiện sốt cao, hoại tử chân tay, gia đình tá hỏa đưa ông K. nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, do nhiễm khuẩn huyết nặng, ông K. đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

Sáng 17/8, trao đổi với PV báo ĐS&PL, BS.Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh nhân K. được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và các bác sỹ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Sau đó, bệnh nhân K. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai với các triệu chứng xuất hiện sốc, hôn mê, suy gan suy thận. Hai ngày sau, các bác sỹ chỉ định chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Theo chẩn đoán, ông K. nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Hiện bệnh nhân vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, thở máy”.

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân K., BS. Cấp đưa ra cảnh báo, bệnh liên cầu khuẩn heo có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ. Theo đó, người bị bệnh liên cầu khuẩn từ heo thường mắc ở hai thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân..., dẫn đến tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ. Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.

Bao dong “mam benh tu than” tu thoi quen an uong - Anh 1

Anh K. đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

“Thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn heo dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải heo bẩn mang mầm bệnh. Vì thế, để phòng liên cầu lợn, tuyệt đối không ăn tiết canh, ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín. Khi giết thịt, chế biến, vệ sinh chuồng trại cần có phương tiện bảo hộ phù hợp. Đặc biệt với lợn ốm, lợn bệnh càng không nên giết thịt”, BS. Cấp tư vấn. Cũng theo BS. Cấp, đây không phải trường hợp đầu tiên mà rất nhiều người bị mắc liên cầu khuẩn do ăn thịt lợn ốm. Thậm chí, nhiều người khi mắc liên cầu khuẩn còn nghĩ mình mắc bệnh lạ.

Cách đây không lâu, một bệnh nhân nam tên T., 39 tuổi (quê quán Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn, dẫn tới nhiễm trùng huyết suy đa tạng, có nhiều ban hoại tử đen toàn thân, đặc biệt là ở mặt. “Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân T. có ăn tiết canh lợn ngoài chợ. Khi về nhà, bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó thở... nhưng chỉ nghĩ là bị ốm thông thường nên tự điều trị ở nhà. Đến khi thấy tình trạng sức khỏe ngày càng nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn. Ngành y đã có nhiều khuyến cáo nhưng có nhiều người vẫn phớt lờ”, BS.Cấp nói.

Người dân cần lưu ý biểu hiện bệnh

Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt khi đã nấu chín kỹ, bảo đảm nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng. BS. Nguyễn Trung Cấp cho hay, bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm. Trong khi đó, với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đại diện cục Y tế Dự phòng cảnh báo, tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỉ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang trong mình liên cầu khuẩn.

Theo bác sỹ Cấp, khi phát bệnh trên người, vi khuẩn liên cầu này thường gây bệnh viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết. Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng thì khả năng tử vong chiếm tỉ lệ 45%- 50%. Theo BS. Cấp, tiết canh là nguyên nhân gây ra 70% ca nhiễm liên cầu lợn còn lại là qua giết mổ, tiếp xúc và ăn thịt lợn chưa được nấu chín.

Do khi giết mổ lợn, tiếp xúc (vệ sinh chuồng trại), chế biến thịt lợn nhiễm liên cầu... vi khuẩn cũng có thể lây bệnh qua các vết xước. Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Điều đáng nói biểu hiện ban đầu của bệnh dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thông thường (sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài nhưng không đi nhiều lần nên chỉ khi cơ thể xuất hiện các ban hoại tử (do nhiễm khuẩn huyết) hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, li bì, tri giác lơ mơ... gia đình mới đưa đến viện. Lúc này cơ hội cứu chữa rất thấp. Các bác sỹ cảnh báo, ngoài gây bệnh lý nguy kịch tính mạng, căn bệnh này cũng để lại nhiều di chứng. Trong đó, đến 40% bệnh nhân có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí bị điếc vĩnh viễn. Thêm một điểm cần lưu ý là người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại do không để lại miễn dịch lâu dài.

Theo ĐS&PL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ