(GD&TĐ) - Tình trạng nhiều cô dâu Việt Nam kết hôn với người nước ngoài rồi lâm vào hoàn cảnh bi đát, thậm chí là phải mất mạng đã và đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo. Dư luận cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để khắc phục tình trạng này.
Chỉ ở giấc mơ đổi đời
Từ năm 2003, trào lưu nam giới ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc sang Việt Nam tìm vợ bắt đầu phổ biến khiến dư luận xã hội phải quan tâm về tính chất vụ lợi của hiện tượng này. Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy từ năm 1995 đến hết năm 2010, đã có hơn 257.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong đó, có hơn 80% trường hợp là phụ nữ Việt Nam đã kết hôn với công dân của hơn 50 vùng quốc gia và vùng lãnh thổ, số lượng đông nhất là ở Đài Loan (chiếm 30%), Hàn Quốc (chiếm 12,8%), Trung Quốc (chiếm 10,86%)… Tình trạng này phát triển mạnh trong thời gian gần đây và có chiều hướng tăng dần.
Đến nay, không ít cô gái sinh ra và lớn lên từ vùng nông thôn nghèo đã chọn con đường kết hôn với người đàn ông không quen biết chỉ vì muốn phát triển kinh tế gia đình. Đa số các trường hợp quen biết nhau chỉ dưới 3 tháng, rất hiếm trường hợp quen biết trực tiếp. Nhiều cuộc hôn nhân diễn ra trong khi hai bên không hề gặp gỡ dù chỉ một lần. Rất nhiều các cuộc hôn nhân giữa các cô gái Việt Nam với những người đàn ông ngoại quốc không thuận buồm xuôi gió. Các cô gái Việt Nam đi làm dâu ở xứ người thường không có nghề nghiệp, lại thiếu hiểu biết nên gặp nhiều khó khăn trong trong cuộc sống gia đình và chịu nhiều thiệt thòi khi xảy ra sự cố. Nhiều chị em sau nhiều năm ở nước ngoài đã phải ôm con về nước hoặc phải trả con cho nhà chồng và trở về với hai bàn tay trắng.
Cô dâu Hoàng Ngọc trong ngày cưới với người đàn ông Hàn Quốc |
Cần chế tài mạnh hơn
Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, có đến 31% phụ nữ muốn lấy chồng Đài Loan để tìm việc làm tăng thu nhập, 15,6 % muốn lấy chồng nước ngoài để giúp đỡ gia đình. Những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài đa số có trình độ học vấn thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế do đó dễ bị lợi dụng và lừa gạt. Bài học về những vụ án cô dâu Việt bị chồng hành hạ, ngược đãi đến chết trong một hai năm trở lại đây là những minh chứng rõ nét nhất cho mặt trái của hiện tượng này. Hẳn nhiều người chưa quên cuối năm 2008, Cục CSĐT tội phạm hình sự, Bộ Công an đã phối hợp với công an TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Ninh, An Giang và cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khám phá chuyên án 118M, bắt “má mì” Nguyễn Thị Yến cùng 7 đối tượng khác. Trong hai năm hoạt động, đường dây này đã đưa trót lọt 700 cô gái thuộc nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ ra nước ngoài làm vợ. Thực chất các cuộc “môi giới hôn nhân” này là biến các cô gái Việt trở thành những món hàng trong đường dây buôn bán người xuyên quốc gia của chúng. Nhiều người cũng chưa thể quên cái chết thương tâm của cô gái Lê Thị Kim Đồng, quê ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ vào tháng 8.2008 trong khi đang mang thai. Do không chịu nổi sự hành hạ của chồng, Đồng đã buộc rèm cửa vào người, buông mình từ ban công tầng 9 của tòa nhà, rèm cửa đứt, cô bị rơi từ lầu 9 xuống đất... rồi bị thương nặng và tử vong 5 ngày sau đó. Cách đây không lâu, vụ cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc, sinh năm 1990, ngụ ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ bị người chồng Hàn Quốc mắc bệnh tâm thần đánh đập và đâm chết. Bi kịch xảy ra vào ngày 7.7.2010 làm rúng động dư luận xã hội Hàn Quốc.
Và ngày 24.5.2011 vừa qua, cô dâu Hoàng Thị Nam, 23 tuổi ở Phan Thiết, Bình Thuận cũng đã bị người chồng Hàn Quốc sát hại bằng nhiều vết dao đâm, tại huyện Jeongto. Chị kết hôn vào 4.2010 và sang Hà Quốc ngày 3.8.2010. Vụ việc đang được cảnh sát Hàn Quốc điều tra làm rõ.
Những cô gái nhẹ dạ trong một vụ môi giới hôn nhân trái phép |
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, để ngăn chặn ngay tình trạng trên, cần phải có chính sách cụ thể, đưa hoạt động môi giới kết hôn quốc tế vào khuôn khổ pháp luật để quản lý. Cần bổ sung, sửa đổi pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt đối với việc xử lý các đối tượng tổ chức, môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài trái pháp luật vì hiện nay mức độ xử phạt hành chính đối với đối tượng trên vẫn chưa đủ răn đe.
Trao đổi về vấn đề trên, PGS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng Khoa Nhân học Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM phân tích: Chúng ta có thể đặt ra những tiêu chuẩn, ràng buộc về mặt pháp lý đối với môi giới hôn nhân xuyên quốc gia. Từ đó nâng cao mức xử phạt hành chính so với hiện nay cũng như đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tổ chức môi giới hôn nhân trái phép. Đó là cách lấy hợp pháp để răn đe, xử phạt bất hợp pháp.
Đánh giá về công tác kiểm soát, tuyên truyền về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung chưa đạt hiệu quả cao. Sự phối hợp của các cấp, các ngành còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hôn nhân có yếu tố nước ngoài còn lúng túng từ các cấp chính quyền... Các cơ quan có liên quan, từ Trung ương đến địa phương rà soát cụ thể hơn về tình hình trên, đồng thời thống nhất với nhau trong việc triển khai thực hiện, tăng cường công tác giúp đỡ, tuyên truyền, dạy nghề đối với những phụ nữ tại địa phương vùng khó.
Bà Cao Hồng Vân, trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ VN): Chúng tôi đã ký với Hàn Quốc một dự án trị giá 3,5 triệu USD nhằm cung cấp kiến thức và thông tin cho các cô gái muốn hoặc sắp lấy chồng Hàn Quốc. Trước mắt chúng tôi sẽ dành ưu tiên cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ có những khóa học ngắn hạn cho các cô gái trẻ chỉ dẫn những giao tiếp thông thường, ứng xử khi mới về nhà chồng, phong tục tập quán nước bạn, các địa chỉ có thể tìm đến khi gặp trục trặc. |
Luật sư Nhã Thi, Đoàn luật sư TP.HCM: Nhiều năm thụ lý những vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, tôi thấy phần lớn những người phụ nữ Việt Nam trước khi ra nước ngoài sống cùng chồng đều chưa được tư vấn đầy đủ, thiếu những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục tập quán của nước sở tại. Do đó, họ gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập cộng đồng, bị ngược đãi, đến khi làm thủ tục ly hôn thì vướng đủ mọi vấn đề vì “hợp đồng” hôn nhân lúc này đã mang yếu tố nước ngoài. Nhiều phụ nữ Việt hiện đang gặp khó do các quy định của pháp luật nước ta vẫn chủ yếu dành cho việc thực hiện kết hôn và quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các cặp hôn nhân mà có một bên là người nước ngoài. Các quy định về việc ly hôn ít, nếu có cũng chủ yếu là để giải quyết cho các trường hợp ly hôn với một bên là người nước ngoài ở những nước đã có Hiệp định tương trợ tư pháp. Đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp như Đài Loan, Hàn Quốc thì chưa có hướng dẫn đầy đủ. Vì thế, thiệt thòi vẫn nằm ở người phụ nữ Việt. |
Anh Nguyễn