(GD&TĐ) - Internet ra đời làm thay đổi cơ bản nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có báo chí.Với báo chí, Internet vừa hỗ trợ, vừa nâng tầm, vừa đặt ra những thách thức mới. Một số cơ quan báo chí, một số nhà báo bối rối trước những thách thức này.
Chưa bao giờ thông tin nhiều và được chuyển tải nhanh đến thế!
Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới và ở Việt Nam đã tiến hành thực hiện mục tiêu “4 trong 1”, nghĩa là trong một cơ quan báo chí có cả 4 loại hình báo chí. Ví dụ, Đài Tiếng nói Việt Nam, ngoài phát thanh thông thường, còn có “Phát thanh có hình”, báo in, các website. Báo Tuổi Trẻ (TP HCM) có báo in, báo điện tử; vào địa chỉ báo điện tử của Tuổi Trẻ có thể xem truyền hình và nghe phát thanh. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đang khẩn trương chạy theo xu hướng này, nếu không họ sẽ trở nên lạc hậu và bị loại khỏi hệ thống truyền thông.
Với cơ cấu “4 trong 1”, nhiều cơ quan báo chí không chỉ đưa tin rất nhanh, mà còn có thể tường thuật trực tiếp vụ việc, sự kiện đang xảy ra. Vì vậy vấn đề đặt ra là các cơ quan báo chí phải có những người không chỉ giỏi nghiệp vụ, mà còn tinh thông nhiều thứ khác, có sự hiểu biết sâu rộng các vấn đề để có thể đưa ra những quyết định quan trọng trong thời gian ngắn.
Cần tinh tế, sâu sắc và tập trung vào những thông tin có ích
Dù là những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm xử lý thông tin, nhưng trước một “biển” thông tin như hiện nay, việc lựa chọn những thông tin nào để đưa, để nhấn mạnh, để biến thành “đinh”, thành “chốt” là điều không đơn giản. Một số cơ quan báo chí của Việt Nam đã làm tốt điều này. Tuy nhiên, còn một bộ phận không nhỏ làm chưa tốt. Vì thế chúng ta thấy rất nhiều thông tin vô bổ được lặp đi lặp lại trên các báo, trong khi đó những thông tin quan trọng lại bị bỏ sót hay chỉ lướt qua. Ví dụ, chuyện cô Lý Nhã Kỳ mặc váy áo như thế nào thì có gì quan trọng lắm, ấy thế mà hầu như lúc nào báo chí cũng đề cập. Vào Google tiếng Việt, gõ “Váy của Lý Nhã Kỳ”, có 1.850.000 kết quả trong vòng 0.33 giây.
Rồi đến chuyện các quý bà mua dâm – thông tin có vẻ mới nhưng có gì lạ lẫm lắm đâu? Đây là một nhu cầu mãnh liệt của con người (kể cả đàn ông lẫn đàn bà), những ai có thể đáp ứng nhu cầu một cách hợp pháp thì tốt rồi. Còn những ai không có điều kiện như thế thì họ phải tìm cách đáp ứng thôi. Đây là vấn đề rất con người, trên thế giới nhiều nước không cấm mại dâm. Vì vậy đây chẳng phải là vấn đề bức xúc đến nỗi các báo cứ “đay nghiến” mãi. Trong khi đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của tất cả mọi người lại chỉ được đưa thoáng qua, hay đưa chiếu lệ. Đáng ra báo chí phải tập trung làm rõ tại sao bây giờ ăn cái gì cũng sợ? Rồi làm cách nào để nỗi sợ này không còn nữa.
Xu hướng đọc báo mạng đang được giới trẻ thịnh hành |
Đã đến thời “Tự do báo chí thực sự”?
Những người có cái thú viết lách chưa bao giờ sướng như bây giờ! Có thể viết sách, viết cho các báo, đài... Cùng lắm là viết và post lên facebook, blog, website của chính mình. Không có biên tập, không có kiểm duyệt, sướng nhé!
“Tự do báo chí” đã được bàn đến từ rất lâu, được bàn rất nhiều ở khắp mọi nơi. Ai cũng công nhận những cái hay của báo chí tự do; quốc gia nào cũng công nhận và đề cao tự do báo chí. Như vậy, tự do báo chí có giá trị rất lớn về nhiều phương diện, là một trong những yếu tố làm nên xã hội dân chủ, văn minh.
Có thể bây giờ là thời chúng ta tiến gần tới tự do báo chí. Nhưng rõ ràng nhiều người hiểu không thấu đáo khái niệm “Tự do báo chí” là gì, vì thế trên mạng Internet nhan nhản những thông tin sai sự thật, những thông tin gây phản cảm.
Nhiều người cho rằng, “cuộc sống” của cộng đồng dân cư mạng là ảo, nên họ tha hồ “tung tẩy”, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Nhưng đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Nếu muốn, tất cả những thông tin đưa lên mạng đều được chỉ ra ai là người đã sáng tác và đưa lên. Vì vậy những gì diễn ra trên mạng không ảo một chút nào, chúng là sự thật, là một phần của đời sống thật của xã hội. Đã có nhiều người phải trả giá cho những thông tin sai sự thật khi đưa lên mạng. Những người cố ý làm việc đó thì phải chịu trách nhiệm là đúng rồi. Tuy nhiên cũng có những người vô tình đưa những thông tin không đúng sự thật lên mạng. Họ cũng không thể “trắng án”, nhất là đối với lương tâm của mình.
Cách đây khoảng một tháng, Nhà văn PVĐ đưa lên blog của mình một bài viết (của một người khác gửi đến) về một người công tác tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ làm khuynh đảo Văn phòng Chính phủ. Bài viết này gây được sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người “ném đá” không tiếc tay nhân vật nữ 62 tuổi ghê gớm này – dù đã ở tuổi trên lục tuần, vẫn dùng ảnh hưởng của mình điều khiển được nhiều quan chức lớn.
Hiện nay số người sử dụng Internet trên thế giới đã tới hàng tỷ người, riêng ở Việt Nam đã có 31 triệu người sử dụng Internet. Vì vậy những thông tin nhạy cảm loang rất nhanh trong cộng đồng dân cư mạng.
Sau khi thông tin về một người làm khuynh đảo Văn phòng Chính phủ loang rộng, có người lưu ý Nhà văn PVĐ là nhiều thông tin trong bài viết đó không đúng sự thật. Ông nhà văn kiểm tra lại và gỡ bỏ bài viết. Có trách nhiệm hơn, ông đã viết lời xin lỗi vì đã cho đăng một bài có thông tin sai sự thật trên blog của mình.
Dù đã cố gắng làm như vậy nhưng ông PVĐ vẫn không được yên vì người được đề cập trong bài viết cũng không được yên. Số là chỉ tồn tại trên blog của ông PVĐ mấy tiếng đồng hồ, nhưng dân cư mạng đã kịp tải về đăng trên blog, facebook, hàng trăm website khác. Chủ nhân của những nơi này không gỡ bỏ bài viết, không quan tâm tới lời xin lỗi của Nhà văn PVĐ, thậm chí họ tiếp tục công bố những nhận xét (comment) gay gắt của độc giả. Đi xa hơn nữa, có người còn tung tin là nhân vật nữ kia đã tìm cách bỏ trốn, nhưng đã bị bắt giữ tại cửa khẩu Cầu treo..
Nhà văn PVĐ đưa thông tin lên mạng, ông đã chịu trách nhiệm về việc làm của mình, đã bày tỏ thiện chí như gỡ bỏ bài, viết lời xin lỗi, gặp “nạn nhân” xin lỗi trực tiếp và mong được thông cảm. Nhưng ông PVĐ vẫn không được yên vì người được đề cập trong bài viết nhất quyết “bắt vạ” ông vì bà cũng vẫn tiếp tục bị chửi rủa, miệt thị.
Đây là trường hợp điển hình cho việc bị “tai bay, vạ gió” khi công bố bài viết trên mạng xã hội. Nhà văn PVĐ rất có thiện chí, nhưng sự việc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông, ngoài mong muốn của ông. Hầu hết những người tham gia mạng không đoái hoài tới sự gỡ bỏ bài và lời xin lỗi của PVĐ, họ tiếp tục sống theo dòng cảm xúc của họ. Vì thế cả “nạn nhân” lẫn “thủ phạm” còn phải chịu đựng dài dài. Trong thực tế, đã có nhiều điều đáng tiếc xảy ra, không ít người đã tự tử vì bị nói xấu không đúng sự thật trên mạng.
Tỉnh táo và chừng mực không khi nào thừa
Chúng ta đã biết tới sức mạnh vô biên của Internet. Có nhiều người bỗng trở thành ngôi sao sáng sau một thời gian rất ngắn. Đó là nhờ có Internet. Nhưng cũng có không ít người khốn khổ vì Internet. Vì vậy, những người làm công việc liên quan đến con chữ thời Internet phải hết sức tỉnh táo và chừng mực. Tỉnh táo để không phạm sai lầm. Còn chừng mực để không tỏ ra là người thiếu văn hóa khi là “công dân của cộng đồng mạng”. Tuy nhiên, khi thấy mình đúng, mình có lý thì cũng cần sử dụng những trang mạng xã hội để công bố những bài viết của mình. Đây là trách nhiệm công dân, trách nhiệm làm người thời Internet.
Tôi không dám khuyên ai, nhưng tôi lưu ý rằng, viết lách thời Internet phải hết sức cẩn thận vì khi đã đưa bài lên mạng, chúng ta không thể kiểm soát được nữa. Khi thông tin sai, dù có gỡ bỏ, dù có xin lỗi thì cũng không khắc phục hết được hậu quả. Chịu trách nhiệm là điều người viết, người đưa lên mạng phải làm. Nhưng không phải cứ chịu trách nhiệm thì giải quyết được mọi vấn đề. Do đó, tốt nhất là tỉnh táo và cẩn thận khi viết, khi đưa bài lên mạng.
HỒ BẤT KHUẤT