Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Đại học Tổng hợp Vienna cùng phối hợp tổ chức vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước, 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Hơn 40 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu báo chí, các nhà báo, phóng viên chiến trường đến từ các cơ quan, các trường đại học ở Việt Nam và quốc tế được gửi đến Hội thảo.
Các tham luận đã tập trung khẳng định vị trí, vai trò của báo chí trong chiến tranh, kinh nghiệm của báo chí thế giới viết về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như kinh nghiệm tổ chức một cơ quan báo chí và tổ chức thông tin đến bạn đọc trong điều kiện có chiến tranh; đạo đức nghề nghiệp của nhà báo phản ánh về đề tài chiến tranh.
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền - nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của những nhà báo trong chiến tranh: Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, những người làm báo luôn có mặt tại những điểm nóng nhất thế giới.
Những thông tin nóng hổi về cuộc chiến của các nhà báo có vai trò quan trọng trong việc dẫn đường dư luận, giúp dư luận có cái nhìn đúng đắn về bản chất của cuộc chiến đó. Tham gia vào những cuộc chiến tranh ấy như những thành tố lịch sử, báo chí và nhà báo của chúng ta luôn có mặt, tham gia như những người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử đồng thời cũng là người tái hiện lịch sử của những cuộc chiến tranh.
Các diễn giả là những người trong cuộc và các nhà nghiên cứu về báo chí trên thế giới đã cùng thảo luận về những đề tài, phương thức tác nghiệp vụ và kinh nghiệm báo chí chiến tranh. Dẫu chỉ là những lát cắt nhỏ về những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, nhưng cũng góp phần làm sâu sắc thêm những cái nhìn về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Nói như Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi: Người làm báo là những người chép sử đương đại. Họ đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến đấu, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và nhân dân, ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử.