Bánh Trung thu không nguồn gốc bán khắp chợ quê

Bánh Trung thu không nguồn gốc bán khắp chợ quê

Những chiếc bánh Trung thu giá bèo từ 6.000 - 20.000 đồng/chiếc, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có mầu lờ lờ đục… được bày bán kèm theo những thúng hoa quả, rau dưa xuất hiện nhiều tại vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất hiện ở nhiều vùng quê ngoại thành
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất hiện ở nhiều vùng quê ngoại thành
 

Tại một số vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, các loại bánh trung thu giá rẻ bày bán nhan nhản tại các chợ quê, các đại lý nhỏ lẻ và thu hút được nhiều người tiêu dùng là bà con nông dân. Những chiếc bánh ở đây có giá từ 10.000 – 15.000 đồng/ chiếc, với nhiều mẫu mã khác nhau.

Loại bánh nướng, 2 trứng có giá chỉ từ 12.000 - 25.000 đồng/bánh, loại 120 g; Không trứng giá chỉ 8.000 đồng/bánh, bánh nhân thập cẩm loại 120 g giá 9.000 đồng/bánh, thậm chí có loại bánh giá chỉ có 6.000 đồng/chiếc...

Màu sắc của những chiếc bánh này rất lạ. Bánh dẻo nổi màu lờ lờ đục, còn bánh nướng thì vàng ươm, sáng bóng… Đánh trúng vào tâm lý ham rẻ của người dân ngoại thành Hà Nội có thu nhập thấp, nhiều loại bánh Trung thu không rõ nhãn mác được các tiểu thương lấy về bán lẻ, bán buôn.

Hầu hết các loại bánh Trung thu giá rất rẻ này đều được bọc bằng lớp hộp nilon mỏng và có đặc điểm chung một loại bao bì và cùng được ghi thành phần giống nhau như: hạt sen, lạp xưởng, thịt mỡ, đậu xanh, bột mì, thịt gà, hạt điều... Tuy nhiên, không ai biết thực sự nhân bánh được làm từ nguyên liệu gì và thời hạn sử dụng là bao nhiêu ngày.

Bà Tuyến ở xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Do kinh tế khó khăn, giá cả cái gì cũng tăng cao, kiếm tiền khó, nên gia đình chỉ mua loại bánh giá rẻ này để vui Trung thu cho con cháu ngắm trăng. Bánh Trung thu tôi mua chủ yếu của người quen. Tôi không quan tâm lắm đến bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… mà quan tâm đến giá cả, hình thức chiếc bánh có bắt mắt không?”

Tại khu vực bán bánh kẹo chợ quê xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) các chủ hàng bố trí riêng một góc trong sạp của mình để bày bán các loại bánh trung thu giá rẻ. Thậm chí, ngay cả những khu vực ven đường liên xã, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy cảnh người ta bán các loại rau, kèm theo đó là bánh Trung thu bày trên những chiếc phên tre…

Điều đặc biệt, tại các địa bàn huyện ngoại thành, xuất hiện nhiều xe tải nhỏ chở bánh Trung thu đi bán, đổ cho các đại lý với giá chỉ 10.000 đồng/chiếc, mua 4 cái tặng 2. Hầu hết các loại bánh ghi nhì nhằng cái tên nào đó, nhưng không rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng.

Tại một số sạp hàng bán rau, kèm theo bánh Trung thu, chủ hàng quảng cáo đây là loại bánh gia truyền, được làm thủ công nên giá rẻ mà màu sắc lại thật hơn so với các loại bánh được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.

Còn tại một số quầy bán bánh trong các khu chợ quê Hoài Đức, những chiếc bánh Trung thu được rao bán với giá rẻ hơn nữa. Bánh nướng, bánh dẻo đều có giá là 15.000 đồng. Tuy nhiên, một chủ cửa hàng tiết lộ: “Loại bánh hình thú như: voi, cá… bán chạy gấp 2, gấp 3 loại bánh thông thường vì được trẻ em ưa thích”.

Xem qua loại bánh chủ cửa hàng giới thiệu, chúng tôi nhận thấy ngoài kiểu dáng bắt mắt thì loại bánh này không có gì đảm bảo cả. Chiếc bánh được bọc nilon mỏng dán băng dính, không nhãn mác, một số loại chỉ có một miếng giấy nhỏ bên trong ghi hạn sử dụng…

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: “Qua kiểm tra thị trường bánh Trung thu năm nay, các lực lượng chức năng chưa phát hiện vi phạm lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà chỉ phát hiện những bất cập cần phải điều chỉnh như: nền khu vực kinh doanh bẩn thỉu, hàng hóa để lộn xộn, chồng chéo lên nhau không đảm bảo…

Ông Hạnh khuyến cáo, hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường phục vụ dịp Tết Trung thu, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn để giảm bớt nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình, người thân.

Tuy nhiên, tại nhiều vùng quê Hà Nội, thực tế diễn ra không như Sở Y tế Hà Nội thông tin cho báo chí. Như chúng tôi phản ánh ở trên, nhiều người tiêu dùng vẫn đặt sức khỏe của mình ở hàng thứ yếu, thậm chí một số người sẵn sàng sản xuất và buôn bán những sản phẩm không đảm bảo. Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với các loại bánh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bất thường.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ