Băng La Đét đã trở về quê hương

Băng La Đét đã trở về quê hương

(GD&TĐ) - Ngày 4/10 ông Nguyễn Duy Tiến - Cán bộ Đại sứ quán Bangladesh tại Hà Nội - cho biết : Anh  Yearul Islam (mọi người tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên- H uế vẫn gọi tên là Băng La Đét đã về nước gặp gỡ gia đình sau 4 năm xa cách.

Trước đó, trung tâm đã tiếp nhận Yearul Islam từ Đội Trật tự đô thị TP Huế. Đối tượng này được thu gom trên các tuyến đường tại TP Huế và đã được hội đồng y tế xác định bị bệnh tâm thần mãn tính nên không nhớ được tên, tuổi, quê quán. 

Băng-la-đét chia tay bịn rịn những người bạn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên-Huế
Băng-la-đét chia tay bịn rịn những người bạn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên-Huế
 

Sau nhiều lần không thể tiếp chuyện được do bất đồng ngôn ngữ, qua đến lần thứ 5 nhờ sự thuyết phục của nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và một đồng nghiệp báo Thừa Thiên - Huế,  Băng la Đét đã có thể giới thiệu được tên thật mình là Yearul Islam 30 tuổi. Cha là Am-zul-ra-zat, 60 tuổi; mẹ là A-san- na, 55 tuổi; vợ là Se-re-na, 25 tuổi. Anh có hai đứa con, một trai, một gái. Gia đình  sống trong căn hộ tại tầng 4 tại tòa nhà chung cư vùng nông thôn thủ đô Dhaka.

Cách đây vài năm (nhân vật không nhớ rõ mốc thời gian), anh cùng 21 người bạn ở Bangladesh mang theo áo quần và làm thủ tục bay sang Malaysia buôn áo quần. Sau khi chia nhau đi bán hàng, người đàn ông này bị bọn cướp đánh đập dã man vào đầu và người, cướp hết toàn bộ giấy tờ tài sản mang theo, trong đó có 4.000 Taka Bangladesh (đơn vị tiền tệ Bangladesh) và 200 Ringgit (tiền tệ Malaysia). Khi tỉnh dậy, vết thương đầy người, Yearul Islam  bị chấn động tinh thần và không còn nhớ được gì. Lang thang trong vô thức rồi lạc qua Thái Lan, điểm dừng cuối cùng trong hành trình lang bạt của anh là Việt Nam. 

Một số nhân viên chăm sóc trực tiếp tại Trung tâm cho  biết: “Băng La Đet  (tên của Yearul Islam  do cán bộ Trung tâm đặt) tội nhất và  làm việc siêng năng, đến bữa ăn không chịu ăn cơm với thịt. Băng La Đét chơi bóng chuyền, bóng đá rất tốt. Do không chịu ở chung với ai nên được Trung tâm bố trí ở một phòng riêng".

Anh Nguyễn Hữu Cườm, người hay đi tưới rau cùng Yearul Islam, bịn rịn: “Mừng cho anh ta nhưng mọi người ở đây cũng thấy nhớ vì dù sao đã cùng lao động, sinh hoạt với nhau hơn 2 năm qua. Chắc vợ con anh ta mừng lắm”. Nói xong, anh Cườm rút chiếc mũ lưỡi trai đội lên đầu bạn như món quà lúc chia tay.

Ông Ngô Duy Bình - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên - Huế cho biết: Trung tâm cùng một cán bộ y tế và Sở Ngoại vụ đưa Yearul Islam vào sân bay Đà Nẵng bay ra Hà Nội. Đại sứ quán Bangladesh đã cử ông Md. Zahangir Kabir và ông Nguyễn Duy Tiến vào Đà Nẵng để nhận người. Được biết, cán bộ nhân viên Đại sứ quán đã chung tay quyên góp để mua vé cho chuyến bay Đà Nẵng – Hà Nội của Yearul Islam.

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ