“Cháu sang lấy chanh đào nhé. Bà mới cắt từ vườn về”. “Bà cứ để chín đỏ thêm…”. “Gần như đã vàng vỏ và bắt đầu đỏ phía đầu. Nhưng, mưa nhiều, nếu để lâu bà sợ rụng”.
Vậy là, nó rẽ sang. Bà đã gói sẵn 3 túi và dặn: “Nếu không ngâm mà chỉ để lấy nước thì phải gọt vỏ giữ lại mà ăn hàng ngày, thứ thuốc quý hơn cả… nhân sâm đấy”.
Năm nào chẳng thế, cứ độ cuối tháng 8 sang đầu tháng 9 âm lịch là nó lượn vòng chợ tạm dặn mấy bà bán rau lấy giúp vài ba cân để ngâm. Chanh chín đỏ ruột được khía vỏ rồi phủ mật ong trong vài tháng là có thể đem ra sử dụng. Cả chục năm nay, sáng nào nó cũng pha mật ong chanh đào cùng chút gừng để bọn trẻ uống đều. Những ho hắng, sổ mũi gần như phải chào thua.
Thực ra, chỗ nó ở giờ toàn nhà san sát, ruộng đồng cũng lùi xa. Vậy nên, mấy tháng trước gặp bà tranh thủ trông cháu, nhặt rau mùng tơi mà thấy lạ. Thế là bà khoe, đi ra đại lộ sang bên kia đường, một số hộ vẫn còn chút ít đồng đất song khó cấy lúa vì không còn mương dẫn nước.
Người trẻ chẳng ai quan tâm nhưng các bà vẫn tiếc nên lui cui sớm hôm vỡ đất, vun luống để trồng vạt rau, gốc chanh, gốc bưởi… Thong thả cả ngày như thế vừa vui chân vui tay vừa có rau quả sạch cho con cháu, thậm chí được mùa dư dả bán đi để đổi đồng quà, tấm bánh.
Bà chọn trồng chanh đào vì nghĩ đến đàn cháu nhỏ sẽ cần. Mọi năm, cây cho quả vừa đủ để bà chia các con. Năm nay, quả trĩu hơn để tình cờ nó được phần. Tỉ mẩn khía từng quả, ngắm nghía múi đỏ lộ diện, lòng nó chợt bâng khuâng…