Bàng hoàng nước thượng nguồn đổ về nhấn chìm hàng ngàn ha lúa Vĩnh Phúc

Hơn 5.000ha lúa, hoa màu và gần 2.000ha thủy sản tại Vĩnh Phúc đã bị nước nhấn chìm. Ngoài ra có 1.800 con gia súc, gia cầm bị chết, trôi. Tổng thiệt hại bước đầu tạm tính lên đến 337 tỷ đồng. Điều lạ nhất là ngay trong khu đô thị mới và nhiều xứ đồng chưa bao giờ bị ngập úng thì nay nước mưa đã nhấn chìm...

Bàng hoàng nước thượng nguồn đổ về nhấn chìm hàng ngàn ha lúa Vĩnh Phúc
Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 1
Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 2

Nước thượng nguồn đổ về, bèo bao phủ mặt nước, cả ruộng lúa bị nhấn chìm

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Vĩnh Phúc vừa cùng đoàn công tác của Cục trồng trọt đi kiểm tra tình hình ngập úng tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường về cho chúng tôi biết thông tin trên.

Hai vụ SX đều ngập úng nặng

Cũng theo ông Dũng, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn đã có mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 200 đến 360 mm. Tại Tam Đảo, lượng mưa đo được lên đến 361mm.

Ngay sau khi nhận được thông tin Vĩnh Phúc có mưa lớn, chiều 20/8, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã có mặt tại các vùng chịu ảnh hưởng, cùng với cấp ủy, chính quyền và ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân tránh trú, có biện pháp phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Tại thời điểm này, thời tiết ở Vĩnh Phúc trời nắng nóng nhưng nước trên nhiều cánh đồng lúa, hoa màu và hàng trăm ngôi nhà dân vẫn đang bị ngập sâu trong nước. Hiện có 490 ngôi nhà nước ngập sâu một mét.

“Điều lạ nhất là ngay trong khu đô thị mới và nhiều xứ đồng chưa bao giờ bị ngập úng thì nay nước mưa đã nhấn chìm đường đi và lúa nằm sâu dưới nước. Có những địa điểm, mấy hôm trước không ngập úng nhưng nay trời không mưa vậy mà địa phương phải cắm biến cấm qua lại do nước thượng nguồn đổ về”, ông Dũng chia sẻ.

Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 3

Bên cạnh cánh đồng là đô thị bị ngập úng

Ông Dũng cho rằng, hơn 30 năm công tác trong ngành nông nghiệp nhưng chưa bao giờ chứng kiến được những điều lạ lùng như thế. Mới đây thôi, vụ lúa chiêm xuân, Vĩnh Phúc đã có 1.600 ha lúa chín rộ cũng ngập sâu trong nước. Báo NNVN còn chụp được bức ảnh bà cụ ngụp lặn để vớt lúa lên.

Thiệt hại vụ chiêm còn đó nay lại đến vụ mùa. Lần này thì thê thảm mất mát nặng nề quá. Bởi lẽ, lúa đang thời điểm ngậm đòng, chỉ hơn tuần nữa là có thể trổ bông. Nhìn hàng ngàn ha lúa đòng bị chìm sâu trong nước mà xót xa.

Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục trồng trọt (Bộ NN – PTNT) lên đây kiểm tra, chúng tôi chọn những thửa ruộng còn thấy ngọn lúa nhưng khi giật lên thì đòng lúa đã bị chất nhầy bám vào, đòng non đã hỏng.

Chúng tôi trực tiếp thị sát tại các vùng ngập úng ở Yên Lạc và Vĩnh Tường. Tại thôn Yên Nhiên, xã Vũ Dy (Vĩnh Tường) chúng tôi thấy một số bà con đang ra sức bơm nước để cứu lúa nhưng xem chừng khó cứu được lúa đòng.

Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 4

Người dân be bờ bơm nước để cứu cá, cứu lúa

Bà Trần Thị Luận cho biết, 2 mẫu cá giống thì coi như mất trắng. Diện tích lúa còn lại thì vẫn phải be bờ dùng máy bơm cố gắng cứu được sào nào hay sào đó nếu không thì chết đói.

Anh Lê Duy Thành, ngụp lặn dưới ruộng lúa nhổ lên cho chúng tôi xem những khóm lúa đã bị nước nhấn chìm mấy ngày nay, tất cả đều hỏng hết.

Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 5

Anh Lê Duy Thành ngụp sâu trong ruộng lúa để gom những khóm lúa đã thối rữa

Còn ông Trần Văn Tiến, thôn Dinh Xá, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) thì nước tràn vào nhà mấy ngày qua nhưng ông như ngồi trên đống lửa. Ông bảo, lúa thì mất trắng, ao cá coi như mất khoảng 50%. Đáng nói là đàn lợn nuôi trong chuồng, nước tràn vào khiến cho việc chăm sóc, di dời hết sức khốn khổ.

“Trời hết mưa, nắng lên mấy hôm nay rồi mà nước chẳng chịu rút xuống. Kéo dài thêm ngày nào là tôi ăn không ngon, ngủ không được”, ông Tiến buồn rầu.

Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 6

Nước tràn vào nhà, nhấn chìm ruộng lúa, ao cá của gia đình ông Trần Văn Tiến, thôn Đinh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc

Phá vỡ hết quy hoạch thủy lợi?

Đề cập đến tình trạng ngập úng trên địa bàn, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Vĩnh Phúc thẳng thắn cho rằng, cái này có cả thiên tai và còn người gây ra.

“Nếu như biến đối khí hậu đang làm đảo lộn nhiều kịch bản đối phó của chúng ta thì chính thực trạng rừng đầu nguồn bị nghèo kiệt và quá trình đô thị hóa không gắn liền với quy hoạch, đầu tư cho hệ thống thủy lợi đã để lại những thảm họa lớn cho con người và ảnh hưởng trực tiếp đến SXNN”, ông Dũng nói.

Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 7

Ruộng lúa, đường đi, nhà ở bị ngập úng ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc

Nhấn mạnh về điều này, ông Dũng cho biết, các quy hoạch đô thị, xây dựng KCN liên kết chưa đồng bộ, chưa gắn chặt với quy hoạch thủy lợi. Hệ thống thủy lợi mấy năm gần đây mặc dù được đầu tư, nâng cấp nhưng thực tế không đáp ứng nổi trong khi quy hoạch đô thị gần như phá vỡ hết quy hoạch thủy lợi. Một thực tế thấy rõ là, ở giữa là cánh đồng lúa, xung quanh là nhà cửa kín cổng cao tường, đường cao tốc, KCN…

Chính vì cách làm này mà những trận mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, nhiều cánh đồng lúa ở Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Dương trở thành túi nước, không thể thoát đi được. “Hiện trạng này nếu không được xem lại để có điều chỉnh, bổ cứu kịp thời thì nguy cơ ngập úng như thế vẫn tiếp diễn. Vậy thì không chỉ có mất mát trong SXNN mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển KT - XH”, ông Dũng lo ngại.

Bang hoang nuoc thuong nguon do ve nhan chim hang ngan ha lua Vinh Phuc - Anh 8

Ông Thân Văn Chóm, thôn Nam Cường, thị trấn Thổ Tang không thể vớt vát được gì ở ruộng rau đã bị ngập úng mấy ngày qua

Ông Dũng cho rằng, đối với giải pháp phi công trình hơn lúc nào hết phải đặc biệt chú trọng đến trồng rừng. Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, lượng mưa bình quân 1.500 mm nhưng lại tập trung vào các tháng 6,7,8. Do đó, nếu rừng trồng nghèo kiệt thì vùng hạ du tiếp tục chịu những thảm họa lớn từ thiên nhiên.

Hai là, trong SXNN, chúng ta không nên cứng nhắc việc trồng lúa bằng mọi giá. Tôi thấy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có một suy nghĩ mà tôi rất tâm đắc, đó là, vùng nào trũng thì không nên cấy lúa, bởi kinh phí tiêu úng có khi còn nhiều hơn tiền mua thóc gạo. Do đó, việc chuyển đổi cây trồng trong những điều kiện khắc nghiệt là phải linh hoạt.

Ba là, quá trình đô thị hóa, xây dựng KCN, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư phải gắn với quy hoạch thủy lợi, thậm chí quy hoạch thủy lợi phải đi trước một bước. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng, nhà đẹp ở khu đô thị mà ngập úng; còn lúa, hoa màu thì không thể thu hoạch.

+ Không chỉ có lúa, nhà cửa bị ngập úng mà hàng ngàn ha hoa màu trên địa bàn cũng bị nhấn chìm. Thị trấn Thổ Tang được biết đến là vùng truyền thống trồng rau, đặc biệt là rau thơm bán khắp Hà Nội. Thế mà trận ngập úng này gần như cả làng mất ăn.

Ông Thân Văn Chóm, thôn Nam Cường ngồi thất thần trước 5 sào rau là cơm gạo của cả gia đình nhưng đã bị thiên nhiên cướp mất. Ông nói với, nếu thế này mãi thì dân khó gượng dậy được.

+ Về giải pháp công trình, ông Dũng cho hay, Vĩnh Phúc đã có nhiều đề xuất với Trung ương tuy nhiên về mặt tổng thể vẫn đang chờ. Trước mắt, Vĩnh Phúc đề nghị sớm xây dựng 3 trạm bơm tại các địa điểm Kim Xá, Nguyệt Đức, Ngũ Kiên. Đây là ba vị trí có thể tiêu úng được ra sông Hồng.

Theo Nông Nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ