Bán vé số nuôi ước mơ

GD&TĐ - Sự kiện anh Kim Thái (ngụ ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) thi đỗ công chức huyện khiến vùng quê nghèo yên ắng trở nên xôn xao. 

Bán vé số nuôi ước mơ

Xuất thân từ gia đình lao động khó khăn, không đủ khả năng theo học dù đã thi đỗ Trường CĐSP tỉnh, phải đi bán vé số dạo để nuôi gia đình, nhưng bằng nghị lực của mình, anh đã đăng ký học đại học hệ từ xa, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và tự đăng ký dự thi công chức tại huyện nhà…

Nghị lực vượt khó

Kim Thái là người dân tộc Khmer, gia đình đông anh em nên từ nhỏ đã rất khó khăn. Điều Thái tiếc nhất là sau khi học xong lớp 12, đã thi đỗ vào ngành Địa - Sử của Trường CĐSP Sóc Trăng, nhưng không thể theo học đến cùng vì còn cha mẹ già và bầy em cần chăm sóc.

Từ bỏ giấc mơ trở thành nhà giáo, Thái quay lại với nghề làm nông truyền thống của gia đình, nhưng cũng không đủ mưu sinh, nhất là từ khi anh lấy vợ và sinh con. Thái nhớ lại, đó là vào khoảng năm 2000, túng bấn quá, anh tranh thủ những thời điểm rời đồng ruộng để đi bán vé số dạo kiếm thêm thu nhập.

“Thời điểm đó khó khăn lắm vì tôi phải đảm nhận trọng trách làm chồng, làm cha và lo từng bữa ăn cho gia đình. Khi lang thang trên đường với tập vé số trên tay, tôi nghĩ chỉ có học đến nơi đến chốn mới thay đổi được cuộc sống. Tối tối về nhìn con gái ngủ say, tôi lại nghĩ nếu mình không phấn đấu học hành đàng hoàng sẽ làm ảnh hưởng đến thế hệ sau này, đặc biệt con gái của mình”, anh Thái chia sẻ.

Quyết tâm thay đổi số phận, anh Thái lãnh vé số bán nhiều hơn và quãng đường lội bộ cũng dài hơn để chắt chiu tiền cho vợ học sơ cấp, rồi trung cấp dược sĩ (hiện chị đang công tác tại Phòng Y tế của Trường THPT Lương Định Của, huyện Long Phú).

Khi cuộc sống gia đình đã dễ thở hơn, anh quyết định đăng ký theo học ngành Luật theo diện đào tạo từ xa của Trường ĐH Cần Thơ. Anh cho biết: “Khoảng thời gian đi học, tôi gặp rất nhiều khó khăn về thời gian, tiền học phí đóng hàng năm, mua tài liệu… nên vợ chồng tiết kiệm tối đa các khoản không cần thiết.

Ngoài ra việc tìm tài liệu cũng vô cùng khó khăn vì không có máy tính. Thế nhưng nhờ cách bố trí hợp lý, chủ động về mặt thời gian và suy nghĩ có học mới thoát nghèo, thay đổi cuộc sống đã giúp tôi vượt qua tất cả”.

Hàng ngày, người dân thị trấn Long Phú lại thấy người thanh niên da rám nắng, thân hình gầy guộc có mặt tại chợ từ sớm tinh mơ để chào bán vé số. Đến khi thưa khách, anh lại vội vã về nhà đem tài liệu, sách vở ra nghiên cứu. Đầu giờ chiều, anh tiếp tục rong ruổi trên nhiều tuyến đường của thị trấn với tập vé số trên tay, vừa đi vừa nhẩm lại kiến thức mới học, có khi khách từ trong quán gọi mua vé cũng không biết.

“Thời gian đi học theo lịch trình gồm 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Do vậy, những ngày còn lại tôi phải tăng tốc độ và số lượng vé số để bù lại những ngày đi học. Nhiều bà con thấy tôi đi bán vé số mà mang chiếc cặp lớn quá nhưng thật sự bên trong chứa toàn tài liệu. Tôi có được ngày hôm nay bởi làm gì cũng chuyên tâm, yêu nghề và không từ bỏ ước mơ”, anh Thái bày tỏ.

Tấm gương về tinh thần hiếu học

Bằng rất nhiều nỗ lực, tranh thủ cả những lúc nghỉ trưa học bài, đến năm 2015 anh Thái cũng tốt nghiệp với tấm bằng loại khá; được nhận vào làm tại UBND thị trấn Long Phú với vị trí Phó ban hòa giải dân phố, với mức trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng.

Nói ra con số ấy để biết rằng để mưu sinh, anh vẫn phải tiếp tục gắn bó với nghề bán vé số, vốn mang lại cho anh nguồn thu từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, tạm đủ để trang trải cho gia đình và nuôi con ăn học.

Cuối năm 2017, Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỳ thi tuyển công chức, anh chàng bán vé số kiêm Phó ban hòa giải ấy quyết định nộp đơn thử vận may, dù nhiều người không tin tưởng anh sẽ có cơ hội trúng tuyển, với vô vàn lý do được đưa ra.

Thế nên, khi kết quả được công bố (ngày 1/2/2018), Kim Thái khiến ngay cả những người thân quen cũng bất ngờ: Anh đạt tổng cộng 233 điểm; trong đó phần thi kiến thức chung 53 điểm, viết chuyên ngành 50 điểm (theo quy định nhân 2), trắc nghiệm chuyên ngành 60 điểm, đối tượng hưởng chính sách ưu tiên 20 điểm, Ngoại ngữ 52,5 điểm và Tin học 82,5 điểm (môn điều kiện). Với kết quả ấy, Kim Thái được tuyển vào vị trí công chức hành chính tổng hợp thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện Long Phú.

Không chỉ là tấm gương sáng trong học tập, anh Thái còn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ dân phố thị trấn Long Phú, góp phần vào việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Những đóng góp của anh được Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng 3 lần khen thưởng. “Tôi học ngành Luật và tham gia dân phố để hòa giải những mâu thuẫn của bà con trong xóm và giúp họ sống ý nghĩa hơn.

Mặc dù làm công việc bảo vệ dân phố chế độ không cao, nhiều lúc 1, 2 giờ sáng bị gọi dậy nhưng không buồn vì thấy mình vất vả, bà con thương nên mua nhiều vé số ủng hộ”, anh Thái bộc bạch.

Trước nỗ lực vươn lên của cha, con gái anh là Kim Hiếu cũng đạt được danh hiệu học sinh giỏi 10 năm liền và được Chủ tịch UBND huyện Long Phú tặng bằng khen. Đến nay, Hiếu đang học lớp 10 Trường THPT Lương Định Của và ước mơ trở thành kỹ sư tin học trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.