(GD&TĐ) - Việc đề xuất được tuyển sinh riêng của một số trường ĐH NCL là điều tất yếu của quá trình phát triển. Song các đề xuất tuyển sinh riêng cần được xem xét thật kỹ, vì sau này khi áp dụng cơ chế chuyển trường, sự phức tạp sẽ lại tiếp tục nảy sinh (SV có quyền chuyển trường theo nguyện vọng). Trong bối cảnh hiện nay, nếu có giải pháp thì cần phải là một giải pháp tổng thể.
GS Đào Văn Lượng |
GS Đào Văn Lượng - Hiệu trưởng trường ĐH Công Nghệ TPHCM: Việc đề xuất được tuyển sinh riêng của một số trường ĐH NCL là điều tất yếu của quá trình phát triển. Đồng thời hiện thực hóa quan điểm quyền được học ĐH của mọi người.
Tất nhiên, đề xuất tuyển sinh theo phương thức riêng của các trường ĐH NCL sẽ là cho cả hệ thống chứ không riêng gì một vài trường. Tiêu chí tuyển sinh mỗi trường sẽ khác nhau, phù hợp với ngành nghề và thế mạnh trường đó đang đào tạo.
Tôi ví dụ, trường tôi có thế mạnh tuyển sinh về khối A, với các ngành đào tạo yêu cầu kiến thức môn Toán nhiều thì tiêu chí xét tuyển học bạ phổ thông và điểm thi tốt nghiệp cho một thí sinh của trường chắc chắc sẽ dựa vào môn học này nhiều hơn. Với trường khác có thế mạnh về đạo tạo khối C, ngành Ngữ Văn là trọng điểm, họ sẽ dựa vào môn Văn của thí sinh ấy.
Phương thức xét tất nhiên không chỉ là dựa vào học lực 3 năm phổ thông của học sinh, điểm thi tốt nghiệp THPT, mà còn vào căn cứ vào thực tế điểm sàn từng khối thi. Mức tính điểm xét tuyển sẽ theo hình thức lấy điểm thi tốt nghiệp môn chính (dựa theo khối thi và ngành học) nhân 2, cộng với điểm bình quân chung các môn học (ứng với khối thi) của 3 năm học THPT để từ đó cho ra mức điểm tương đối để xét tuyển, và bám theo điểm sàn của Bộ. Tất nhiên, mỗi trường sẽ có điều chỉnh cách làm cho phù hợp trên cái “sườn” chính ấy mà xây dựng phương án xét tuyển.
Việc tự chủ trong xét tuyển không chỉ giúp các trường đảm bảo nguồn tuyển, đảm bảo quyền lợi được học ĐH của người học, mà tránh được sự thiếu hụt nguồn tuyển như nhiều năm trước, đảm bảo sự công bằng trong hoạt động tuyển sinh, cạnh tranh trong đào tạo với các trường ĐH công lập.
TS Lê Trường Tùng |
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường ĐH FPT: Vấn đề tuyển sinh là vấn đề có tính xã hội, với những nước quan tâm nhiều và tương đối coi trọng chuyện thi cử, chuyện bằng cấp (như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam) đều đang có những cuộc thi ĐH.
Tuy nhiên, do tính vận động, phát triển của nền giáo dục, sự phức tạp của xã hội... chuyện thay đổi phương thức thi là điều cần làm nhưng cần phải được tính toán kỹ lưỡng.
Với những trường hợp đặc biệt, việc tự chủ trong tuyển sinh không có gì phức tạp (ví dụ như trường Quốc tế, trường khối năng khiếu, văn học nghệ thuật).
Riêng với những trường không đặc biệt (ĐH bình thường) việc có phương án tuyển sinh riêng tồn tại song song với phương án chung là điều cần phải nghiên cứu và cân nhắc thật kỹ, nếu không nó sẽ rất phức tạp.
Bởi ngay bản chất của nó (ví dụ phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH NCL) đã tạo nên sự không công bằng.
Với phương án tuyển sinh riêng mà các trường ĐH NCL mới đề xuất (xem tạm phương án gần nhất) thì chúng ta nhận thấy rõ một điều mà các trường muốn hướng đến:
Thí sinh không cần thi ĐH vẫn có thể học ĐH - tức các phương án đều không tính đến điểm thi ĐH mà chỉ xét trên tiêu chí điểm thi tốt nghiệp THPT và “nương” vào mức điểm sàn của Bộ để xét thêm điểm chung bình chung 3 năm của môn học chính (môn thí sinh theo học).
Tất nhiên, nhìn vào các phương án các trường ĐH NCL trình Bộ GD không phải tất cả các học sinh tốt nghiệp THPT đều có thể học ĐH nhưng với mức yêu cầu chung của các trường (điểm chung bình trên 6.0) nói thật là hơi thấp, chưa thật sự phù hợp trong bối cảnh chung hiện nay( tỉ lệ khá giỏi phải trên 60%).
Ngay đến điểm thi tốt nghiệp THPT (kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức) Bộ còn chưa thật sự tin tưởng (mỗi nơi mỗi khác, mặt bằng điểm số môn học trường này cũng khác trường kia) thì việc đề xuất phương án trên tôi thấy vẫn cần phải được nghiên cứu.
Thật ra, hiện nay nhiều trường có quan điểm: Quyền học ĐH là quyền của người học. Với những nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ việc học sinh phổ thông học xong là vào các trường ĐH học không có gì để nói. Bởi họ có sự chuẩn bị, tiếp nối và xây dựng được một hệ thống phân tầng ĐH phù hợp.
Nhưng ở ta, để đi theo con đường ấy cần phải có thời gian. Nếu chúng ta đồng ý phương án tuyển sinh riêng của các trường, tức học sinh chỉ cần học lực trung bình khá (6.0) là có thể học ĐH sẽ dễ dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề:
Thứ nhất, nó sẽ không đảm bảo được công bằng. Thứ hai, khi đã không có sự công bằng sẽ rất dễ nảy sinh các hệ lụy khác, tiêu cực, mua điểm nơi nhà trường. Mà để các trường ĐH giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh đấy, tôi nghĩ không dễ đâu.
Thí sinh tham gia thi ĐH đợt 2 khối D năm 2010. Ảnh: gdtd.vn |
Điểm thi tốt nghiệp THPT hiện nay trong hệ thống giáo dục nước ta được xem là quan trọng. Nhưng trên quan điểm của tôi, đó chỉ nên là yếu tố dùng để tham khảo thôi. Còn nếu muốn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT làm thước đo, xem xét (tuyệt đối hóa) cho việc học ĐH thì cần phải được xây dựng trên một chương trình mang tầm quốc gia.
Còn nếu Bộ GD&ĐT đã “thả” thì “thả” hết luôn cho toàn hệ thống, như thế dù ít dù nhiều nó sẽ có những biến động nhất định. Chắc chắn lúc ấy mặt bằng giáo dục chung sẽ hình thành một cơ chế tương tự như cơ chế thị trường.
Chỉ cần anh xiết chặt và khống chế chỉ tiêu tuyển sinh ở mức phù hợp cho từng trường, trong bối cảnh chung của tổng nguồn tuyển sinh thì các yếu tố như điểm sàn, phương án tuyển sinh sẽ không còn quá quan trọng (vì đằng nào các trường cũng pahỉ lấy người giỏi từ trên xuống).
Vì thế, tôi thấy các đề xuất tuyển sinh riêng trên cần được xem xét thật kỹ, vì sau này khi áp dụng cơ chế chuyển trường, sự phức tạp sẽ lại tiếp tục nảy sinh ( SV có quyền chuyển trường theo nguyện vọng). Trong bối cảnh hiện nay, nếu có giải pháp thì cần phải là một giải pháp tổng thể.
Anh Tú ghi