Bán trú tốt sẽ huy động được học sinh ra lớp

Bán trú tốt sẽ huy động được học sinh ra lớp

(GD&TĐ) - Lai Châu là tỉnh miền núi nghèo với 20 dân tộc cùng chung sống. Chính bởi vậy, số lượng học sinh dân tộc thiểu số chiếm khá đông - 88,5% tổng số học sinh toàn tỉnh. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, ngành giáo dục của tỉnh luôn coi trọng công tác giáo dục dân tộc. Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, ông Hoàng Đức Minh, xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết khái quát đặc thù giáo dục ở tỉnh Lai Châu?

Ông Hoàng Đức Minh
Ông Hoàng Đức Minh
 

- Có thể thấy, hệ thống trường, lớp, cấp học, ngành học, số lượng học sinh ở Lai Châu phát triển nhanh. Bình quân cứ 04 người dân thì có 01 người đi học, trong đó học sinh dân tộc chiếm 88,5%. Đội ngũ giáo viên có 9.813 người. Với tỉ lệ học sinh người dân tộc cao như vậy, chắc chắn sẽ là bài toán khó của ngành trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như đào tạo mũi nhọn.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ngành và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều đổi thay. Ngoài hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, năm học này toàn tỉnh đã thành lập được 52 trường phổ thông dân tộc bán trú với 13.914 học sinh. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn còn có tới 142 trường có học sinh ở bán trú nhưng không phải trường phổ thông dân tộc bán trú, với 9495 học sinh.

Vậy việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho học sinh dân tộc bán trú, nội trú trên địa bàn tỉnh được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Những năm qua  tỉnh Lai Châu đã xây dựng thành công mô hình bán trú ở các huyện, đem lại nhiều tác dụng tích cực như duy trì sĩ số, tăng tỷ lệ đi học chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng cao, học sinh được tham gia các chương trình ngoại khóa, vui chơi, giáo dục kỹ năng sống; đặc biệt, việc hợp tác theo nhóm, giao tiếp bằng tiếng Việt, giao lưu với các khối lớp đã tạo sự tự tin, bạo dạn cho học sinh vốn nhút nhát, ngại tiếp xúc người lạ.

Do vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục quan tâm thành lập, xây dựng và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, chọn chỉ đạo điểm để làm tốt mô hình bán trú, nội trú tại một số trường, từ đó nhân rộng điển hình trong toàn tỉnh. Bởi lẽ, ngành GD-ĐT Lai Châu xác định rõ ràng mục tiêu: Nếu tổ chức tốt mô hình bán trú, nội trú sẽ là khâu quyết định tới việc huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, Lai Châu cũng chủ động lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng, nguồn kinh phí để nuôi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số.

HS Trường PTDT Bán trú Nậm Xe (Phong Thổ, Lai Châu)
HS Trường PTDT Bán trú Nậm Xe (Phong Thổ, Lai Châu)
 

Công tác chăm nuôi và dạy dỗ cho học sinh dân tộc trong các trường bán trú được thực hiện ra sao?

- Mô hình trường học bán trú của tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự đồng thuận của xã hội, ủng hộ của phụ huynh học sinh, và là sự phát triển từ mô hình nội trú dân nuôi hiệu quả. Từ năm học 2011-2012, tỉnh tiếp tục dành nguồn kinh phí hỗ trợ học bổng cho học sinh bán trú tại các trường Trung học phổ thông với mức hỗ trợ như đối với học sinh bán trú cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.

Công tác tổ chức quản lý, nuôi dưỡng tại một số trường tương đối tốt mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Các em học sinh bán trú được ăn đầy đủ 3 bữa tại trường với bữa sáng ăn xôi, trưa và tối ăn cơm. Tuy chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, phục vụ công tác bán trú chưa có... nhưng có những trường đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề, yêu học sinh của chính đội ngũ thầy cô bám trường, bám lớp.

Từ thực tế những năm qua tại địa phương cho thấy, học sinh đến trường ăn ở tập trung như môi trường gia đình, thậm chí tốt hơn ở nhà vì điều kiện chăm nuôi tốt hơn. Đó chính là hiệu quả thiết thực nhất mà mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đem lại. Bên cạnh việc tổ chức nấu ăn, một số trường quan tâm tới việc tăng gia sản xuất, rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động nội vụ, tập thể. Mô hình đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, nhiều trường học trong tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hoá để tổ chức tốt mô hình trường bán trú như Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú cấp Trung học cơ sở xã Nậm Xe  (huyện Phong Thổ), xã Phúc Than  (huyện Than Uyên), xã Nậm Sỏ  (huyện Tân Uyên), xã Pa Vệ Sủ, xã Nậm Hàng (huyện Mường Tè)...

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh cũng là một biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Biện pháp này đã được địa phương triển khai như thế nào?

- Chúng tôi đặc biệt chú trọng tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như: Xây dựng kế hoạch thời gian năm học linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh, với mùa vụ và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, có lượng thời gian để dạy tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1 vùng dân tộc thiểu số. Trẻ dân tộc thiểu số, đặc biệt trẻ mẫu giáo 5 tuổi được quan tâm và chú trọng tăng cường tiếng Việt với nhiều hình thức. Lai Châu cũng chú trọng tập huấn cho giáo viên, xây dựng các chuyên đề về phương pháp dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc; tạo cảnh quan, môi trường học tập tiếng Việt trong và ngoài lớp học, trong gia đình và ngoài xã hội.

Lai Châu là tỉnh có số lượng học sinh dân tộc chiếm tỉ lệ cao nên bản thân các thầy cô giáo muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học của mình phải biết sử dụng tiếng dân tộc. Do đó, việc tự học tiếng dân tộc là một trong những tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường

Sở GD&ĐT Lai Châu đã tổ chức cho giáo viên đăng ký tham gia tự học tiếng dân tộc nhằm hỗ trợ thiết thực cho công tác dạy học tại các đơn vị, đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ mở các lớp dạy tiếng dân tộc và cấp chứng chỉ cho hàng trăm cán bộ, công chức, giáo viên trong toàn tỉnh. Ngoài ra, Sở GD&ĐT tiếp tục động viên, khuyến khích cán bộ giáo viên tự học tiếng dân tộc địa phương nơi công tác nhằm hỗ trợ tốt cho công tác dạy học.

Không thể phủ nhận hiệu quả của hệ thống trường Phổ thông dân tộc bán trú, nội trú, song với riêng địa bàn tỉnh, theo ông, việc triển khai mô hình này còn có những khó khăn gì?

Năm học 2012 - 2013 Lai Châu  có tổng số 417 trường học các cấp; 6.412 lớp (tăng 2.900 lớp); 117.598 HS (tăng 59.603 em). Đội ngũ giáo viên có 9.813 người, trong đó học sinh dân tộc chiếm gần 90%. 

Hiện toàn ngành Giáo dục Lai Châu có 19.980 học sinh bán trú.

-  Theo tôi, tiến độ thành lập các trường Phổ thông dân tộc bán trú tại một số huyện còn chậm. Các hoạt động tập thể tại nhiều trường chưa được quan tâm đúng mức, chưa hướng vào tâm lý lứa tuổi, phong tục tập quán của học sinh, chưa giúp cho học sinh giữa các dân tộc thực sự đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nền văn hoá của nhau.

Mặc dù trong những năm qua, công tác tổ chức, quản lý, giáo dục và nuôi dưỡng trong các trường nội trú, bán trú đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhưng hiện nhiều trường chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động bán trú, nội trú và chưa chú trọng công tác tổ chức quản lý, nuôi dưỡng. Việc tăng gia sản xuất chưa được đề cao, vệ sinh cảnh quan môi trường sống, học tập nhiều nơi còn yếu kém.

Cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do mô hình bán trú là việc mới và khó. Đa phần cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trẻ chưa có kinh nghiệm nên thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa nêu cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Thêm vào đó, khả năng sử dụng tiếng dân tộc của cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Linh (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.