Bàn tay đơn độc “ươm mầm xanh” từ những thân cây

GD&TĐ - Ohid Sarder nhổ một chiếc đinh gỉ ra khỏi thân cây và thả nó vào cái xô của ông nhằm hàn gắn những vết thương “rỉ máu” trên vùng nông thôn nghèo trong “sứ mệnh” làm sạch đất nước Bangladesh quê hương ông.

Ông Ohid Sarder đơn độc trong cuộc chiến chống lại những tấm bảng quảng cáo trên thân cây
Ông Ohid Sarder đơn độc trong cuộc chiến chống lại những tấm bảng quảng cáo trên thân cây

Người đàn ông 53 tuổi này dành tình yêu vô hạn với cây xanh. Sarder đi dọc đất nước trên chiếc xe đạp với sứ mệnh đơn độc giải thoát cây cối khỏi bảng quảng cáo với những chiếc đinh dài đóng vào thân chúng.

Cây cối ở Bangladesh thường được sử dụng làm nơi đăng quảng cáo miễn phí, từng cm quanh cây bị bao phủ bởi các tấm quảng cáo dày tới mức gần như không thể nhìn thấy thân chúng. Các tấm quảng cáo sẽ mục nát theo thời gian nhưng những cái đinh được đóng vào thân cây vẫn găm sâu và điều này thôi thúc Sarder dành cả cuộc đời để chữa những vết thương này.

“Cây cối cũng có sự sống. Chúng cũng cảm nhận được đau đớn như con người” – nhà bảo tồn tự phong Sarder trao đổi báo chí tại huyện Jessore nằm ở phía Tây Nam Bangladesh khi đang làm nhiệm vụ thường lệ của mình tại đây. “Tôi đã chứng kiến những cái đinh giết hại và làm đau cây cối như thế nào”.

Sarder từ nhỏ đã thần tượng Jagdish Chandra Bose, nhà thực vật học người Bengal, người đã từng viết về cảm xúc của thực vật trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Được truyền cảm hứng, Sarder bắt đầu trồng cây tại huyện Jhenaidah nơi ông cư trú và huyện Jessore nằm kế bên, đam mê vẫn được ông duy trì trong nhiều thập kỷ. Nhưng năm nay Sarder nhận ra rằng, chỉ trồng cây là không đủ - ông cần bảo vệ những cái cây đã và đang bị đe dọa.

Đi qua những con đường gập ghềnh với thiết bị mang theo chỉ bao gồm 1 cái xô và 1 thanh kim loại hàn với ngạnh, Sarder nhổ từng chiếc đinh dài ra khỏi cây trên khắp đất nước. Kể từ lúc khởi hành chuyến đi “làm đẹp” cho cây vào tháng 7/2018, ông đã thu thập được hơn 80kg đinh. Đó là công việc gian khổ và không được biết ơn. Vợ ông phàn nàn rằng ông dành nhiều thời gian với công việc tình nguyện hơn với công việc chính là thợ xây để kiếm tiền.

Thường khi quay trở lại những đoạn đường ông từng đi qua để hàn gắn vết thương trên cây, ông lại thấy những tấm bảng mới được đóng lên. “Bạn có biết điều gì làm tôi đau lòng nhất không? Phần lớn những biển quảng cáo này là của các bác sĩ, luật sư, gia sư... Họ đều là những người được giáo dục tốt. Tại sao họ không thể ngừng giết một cái cây cơ chứ?” - Sarder tức tối bày tỏ.

Công việc tự nguyện của Sarder thường thu hút được nhiều đám đông tò mò. “Không ai thực sự đi làm việc này cả. Họ đều nghĩ là tôi bị điên” - ông tâm sự.

Nhưng cảm nhận được cơ hội để giáo dục công chúng về sứ mệnh của mình, ông gắn một tấm biển lên chiếc xe đạp kể về lợi ích của cây cối và công đức từ việc bảo tồn thiên nhiên. Sarder đã kêu gọi các chính trị gia địa phương đề ra lệnh cấm và trừng phạt các hành động mang tính phá hoại cây cối nhưng vẫn chưa đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, ông dự định sẽ tiếp tục đấu tranh, cho rằng nhận thức càng ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và bảo tồn môi trường ở quê hương nghèo khó của ông có thể sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ