Bản ngã của người trẻ

GD&TĐ - Có bao giờ bạn bị xem là "hàng hiếm" khi nhường chỗ cho cụ ông cụ bà nào đó trên xe buýt? Sẽ thật quá lời nếu khẳng định giới trẻ bây giờ có lối sống ích kỷ, nhưng có thể nói, hiện nay đang tồn tại một bộ phận không nhỏ thanh niên luôn tôn sùng bản ngã một cách thái quá.

Bản ngã của người trẻ

Thích thể hiện, thích chứng tỏ là điều hầu như người trẻ nào cũng có nhưng cá tính này đang có xu hướng đi quá giới hạn cần thiết. Trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy năm nay không thiếu chuyện sinh viên tỏ tình náo loạn nơi công cộng như rải hàng trăm hoa hồng giữa sân trường, huy động bạn bè làm ầm ĩ đường phố với nào hoa, nào bích chương, miễn càng không giống ai càng ấn tượng. Bạn bè họ, tất nhiên cũng là những người trẻ, phản đối cũng có nhưng cũng không ít hào hứng "thế mới không đụng hàng".

Học sinh phổ thông đánh nhau, thậm chí dẫn đến án mạng xuất phát từ những lí do vớ vẩn, xích mích nhỏ. Có cậu trai kia còn ngông đến mức lạnh lùng quật anh cảnh sát giao thông xuống đường khi bị kiểm tra giấy tờ.

“Mốt” quay clip đủ thể loại nội dung từ đánh hội đồng ai đó, cảnh phòng the tung lên mạng đang trở thành thời thượng của mới lớn. Thầy cô cũng bị đưa vào “tầm ngắm - khi chỉ cần một hành động hay lời nói hớ trong lúc nóng giận là nghiễm nhiên được lọt vào ống kính điện thoại di động. Nói xấu cha mẹ và thầy cô trên Facebook cũng giống như hiệu ứng đang lan rộng. Thậm chí trào lưu nói là làm đã khiến cho một số bạn trẻ làm xấu mình trước thiên hạ: đốt trường, lột đồ, nhảy cầu…

Tuổi trẻ luôn thích khẳng định mình, tạo sự khác biệt, điều đó chẳng có gì sai. Nhưng khẳng định bằng cách tập tành đua đòi, tiêu tiền như rác, sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ ai... thì không hãnh diện chút nào. Chỉ cần lời khích tướng hay ánh mắt bị cho là “nhìn đểu” thì sẽ xảy ra ẩu đả. Trào lưu ăn chơi nào du nhập vào cũng được tiếp nhận nhanh chóng và hưởng ứng nhiệt liệt. Mỗi thời mỗi khác, không thể đòi hỏi người trẻ thời nay phải gia nhập lực lượng thanh niên xung phong mới gọi là chứng tỏ giá trị bản thân mà điều đơn giản là họ chưa ý thức mình sẽ tạo nên hình ảnh tương lai, là niềm hi vọng của đất nước.

Tại sao cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất, người trẻ nhận thức rõ giá trị của mình hơn nhưng lại thiếu trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội?

Quen sống ích kỷ nên một khi xảy ra biến cố nào đó thì họ dễ có suy nghĩ lệch lạc và hành động tiêu cực, đỗ lỗi cho người nọ, người kia, cho hoàn cảnh, cho cuộc đời. Họ trách móc cha mẹ thiếu quan tâm, đổ lỗi cho nhà trường, lao vào tìm vui bằng những thú tiêu khiển tai hại... nhưng có được mấy người biết nghĩ cho mẹ cho cha, có mấy người nghĩ được đó là lúc họ phải chứng tỏ được bản lĩnh của người trưởng thành. Tất nhiên gia đình cũng có lỗi khi hình thành nên lối sống ích kỷ nơi con em mình. Nhưng, những người trẻ ơi, đừng chỉ biết đòi hỏi hay ngồi đó khóc than mà nên học cách làm điều gì đó có ích cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng.

Vẫn còn những người trẻ biết sống vì người khác, biết thể hiện bản thân bằng năng lực và trí tuệ, bằng những việc làm thiết thực đóng góp cho xã hội nhưng phải gióng lên một hồi chuông về người trẻ "xấu xí" ngày nay là điều vô cùng cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ