Bản lề cho việc nâng cao vị thế giáo dục đại học

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa, gắn kết các thành phần kinh tế, thúc đẩy sự phát triển vượt trội các thành tựu KHCN. Nó không chỉ tác động mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mà còn đặt ra sự thay đổi với các trường đại học.

Bản lề cho việc nâng cao vị thế giáo dục đại học

Bước ngoặt cho sự đổi mới

Sự thay đổi là điều bắt buộc, nhằm hướng đến việc nâng chất, nâng tầm hệ thống GDĐH Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Thực tế, từ cuối thập niên 80, cùng với sự đổi mới về kinh tế - xã hội, GDĐH Việt Nam đã có sự chuyển mình nhanh chóng bởi sự lĩnh hội và định hướng đúng đắn.

Nhằm xây dựng và kiến tạo nên một thế hệ cán bộ KHKT trình độ cao, phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Ngay từ những năm đầu mở cửa, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) với chính phủ Pháp.

Đây được xem là bước khởi đầu chắc chắn cho việc xây dựng nền tảng của công cuộc đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH nước nhà. Xác định mục tiêu của sự hợp tác sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo “lực đẩy”, nâng tầm hệ thống GDĐH của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới, Bộ GD&ĐT đã chọn Trường ĐH Bách khoa TPHCM (1 trong 4 trường trên cả nước) triển khai chương trình.

Theo GS Vũ Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM việc lựa chọn này của Bộ GD&ĐT không chỉ mang đến vinh dự cho Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nó còn cho thấy vị thế quan trọng của trường trong tiến trình đổi mới, đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình PFIEV, Ban giám hiệu nhà trường không chỉ tuyển chọn lực lượng GV có trình độ cao nhất, mà còn hết sức thận trọng trong việc tuyển lựa những “hạt nhân” nguồn cho công tác đào tạo. Với đội ngũ, nhà trường ưu tiên tuyển dụng GV có trình độ tiến sĩ trở lên, chứ không tuyển dụng GV trình độ thạc sĩ và cử nhân cho chương trình này. Các GV trước đó không đạt tiêu chí sẽ được trường bố trí, sắp xếp cho đi học và nâng cao trình độ tại Pháp nhằm đáp ứng tốt nhất điều kiện chất lượng.

“Mục tiêu ban đầu được chúng tôi xác lập khi triển khai PFIEV là cố gắng xây dựng một thế hệ kỹ sư điển hình tài năng nhằm tạo tiếng vang và sự kết nối đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức học thuật, nghiên cứu của Pháp tại TPHCM. Vì vậy, trường chỉ triển khai ở 4 ngành gồm Viễn thông, Năng lượng điện, Kỹ thuật Hàng không, Kỹ thuật cơ điện tử với số lượng sinh viên mỗi lớp chỉ từ 20 - 30 em/lớp. Sinh viên của 4 ngành trên đều được tuyển chọn từ những sinh viên ưu tú có điểm số cao, nguyện vọng và chuẩn đầu vào ngoại ngữ tốt từ 4 ngành” - GS Thành cho biết.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự hỗ trợ tuyệt đối từ các trường ĐH và chính phủ Pháp, khóa đầu tiên với 4 ngành được triển khai đã tạo được tiếng vang rất lớn. GS Vũ Đình Thành chia sẻ: Phía Pháp đánh giá rất cao sinh viên Việt Nam, bởi sự chủ động, lĩnh hội kiến thức và phương thức học thuật.

Năm 2009, sau khi triển khai thêm 3 ngành cho chương trình này Trường ĐH Bách khoa TPHCM được Tổ chức đánh giá chương trình kỹ sư của Pháp (CTI) kiểm tra đánh giá và công nhận 7 ngành của trường tương đương với bằng kỹ sư của Pháp. Đây có thể nói là nền tảng để nhà trường hướng đến việc tiệm cận các chuẩn đánh giá kiểm định khác, giúp nâng vị thế của nhà trường và nhân lực do mình đào tạo.

Hướng đến hội nhập nâng vị thế GDĐH Việt Nam

GS.TS Vũ Đình Thành nhìn nhận: Mục tiêu lâu dài của nhà trường khi triển khai PFIEV là muốn tạo ra một thế hệ nhân lực chất lượng cao toàn diện, đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động trong và ngoài nước. Vì thế, trong công tác đào tạo, nhà trường luôn trăn trở, kiếm tìm các giải pháp làm sao, làm cách nào để hỗ trợ tốt nhất cho người học. Sinh viên tốt nghiệp không chỉ là những kỹ sư giỏi, ưu tú khi làm việc trong nhà máy, mà còn phải là những con người đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động quốc tế, sáng tạo và thỏa mãn yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.

Để đạt được những kỳ vọng ấy, Ban giám hiệu Trường ĐH Bách khoa TPHCM xác lập rõ mục tiêu bằng con đường tham gia KĐCL đào tạo và đạt được các chuẩn KĐCL khu vực và quốc tế.

Hiện nay ngoài 2 chương trình đạt chuẩn KĐCL của ABET (theo chuẩn KĐCL của Mỹ), 11 chương trình đạt chuẩn KĐCL của AUN (chuẩn các nước Đông Nam Á), 7 chương trình theo chuẩn châu Âu, mới đây, Trường ĐH Bách khoa TPHCM còn tham gia vào một hệ đánh giá khác đó là HCEREC (Tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng GDĐH độc lập của Pháp được châu Âu công nhận).

Đánh giá về chương trình PFIEV, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Chương trình kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) là một chương trình thành công nhất, bền vững nhất khi kéo dài suốt 18 năm qua với sự hợp tác giữa CH Pháp và Việt Nam. PFIEV đã giúp cho 4 trường ĐH thiên về kỹ thuật của Việt Nam tiếp cận được với chương trình đào tạo mới, hiện đại dưới sự hỗ trợ của gần 10 trường kỹ thuật hàng đầu của Pháp.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhìn nhận, chương trình PFIEV đã tạo được đổi mới căn bản, toàn diện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo, gắn học với NCKH và thực hành tại doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình đã chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các kỹ năng, thực hành nghề nghiệp… kỹ năng tư duy và khởi nghiệp của người học…

Nhìn lại chặng đường 18 năm triển khai chương trình PFIEV tại trường, GS Vũ Đình Thành cho rằng: Chương trình PFIEV thật sự mang đến sự đột phá cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu lâu dài của trường là làm sao song song với đào tạo thì cần hướng đến việc hội nhập quốc tế. Do đó, nhà trường cũng mong muốn sẽ cùng các đối tác bên Pháp cải tiến chương trình, đổi mới để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhiều hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ