Băn khoăn về Hội đồng trường

Băn khoăn về Hội đồng trường

Băn khoăn quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Công - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Hiện nay, nhà trường đã thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định của Luật số 34. Nhiệm kỳ hội đồng trường là 5 năm (2018 – 2023) và được ký vào ngày 16/12/2019. Từ thực tế của nhà trường, PGS Nguyễn Tiến Công đặt vấn đề: Thứ nhất, nhiệm kỳ Hội đồng trường được tính theo ngày tháng nào? Nếu tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng có đúng không?

Thứ hai, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định Luật số 34 và nhà trường đã có hiệu trưởng. Vậy theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 7 Nghị định 99, Hội đồng trường có phải thực hiện việc quyết định hiệu trưởng nữa hay không. Thứ ba, tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 Nghị định này quy định về hội nghị đại biểu nhân sự với hội đồng trường. Theo đó, số đại biểu có mặt phải trên 50%. Từ quy định này có thể hiểu hai nghĩa: 50% là theo tỷ lệ đại biểu tham dự hội nghị hoặc 50% tổng số viên chức của đơn vị. Vậy, trường hợp này hiểu theo cách nào là đúng?

Trao đổi thêm một số nội dung mà PGS Nguyễn Tiến Công có đặt vấn đề, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các nội dung này đã được quy định khá là rõ trong Luật số 34 và trong Nghị định 99. Cụ thể, nhiệm kỳ của Hội đồng trường được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Luật quy định nhiệm kỳ là 5 năm và nhiệm kỳ của Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường. Như vậy, đối với hiệu trưởng, Luật số 34 không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng là bao nhiêu năm, nhưng Hội đồng trường sẽ quyết định nhiệm kỳ của hiệu trưởng trong thời hạn nhiệm kỳ của Hội đồng trường.

Liên quan đến tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, bà Phụng cho hay: Trong Nghị định 99 đã quy định: Nếu sử dụng hội nghị đại biểu số đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số. Tức là người thuộc thành phần tham gia hội nghị đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số; còn Hội đồng trường sẽ quyết định khi nào hội nghị đại biểu, khi nào hội nghị toàn thể. Nội dung này Luật số 34 cũng đã quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Cũng tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến Hội đồng trường, chẳng hạn như: Việc công nhận Hội đồng trường của các trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường hay thuộc thẩm quyền của đại học? Về vấn đề này, bà Phụng cho biết: Luật số 34 và Nghị định 99 đã quy định rất rõ: Việc công nhận hiệu trưởng, Hội đồng trường các trường thành viên sẽ thuộc thẩm quyền của Hội đồng đại học.

Không nên chờ form chung

Trả lời câu hỏi, nếu việc thành lập Hội đồng trường chưa đúng luật nhưng vẫn còn nhiệm kỳ thì thực hiện tiếp hay làm lại, bà Phụng viện dẫn: Nghị định 99 hướng dẫn, nếu như Hội đồng trường chưa được thực hiện đúng quy định của Luật số 34; tức là cơ cấu thành phần chưa đúng thì khi Nghị định này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập được Hội đồng trường mới. Nghị định 99 quy định tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa là, từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập Hội đồng trường phải xong.

“Nửa đầu của năm sau sẽ là Đại hội Đảng ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng là điều kiện để chúng ta khớp nối giữa các quy định của Đảng và với quy định của Nghị định này. Khi thành lập Hội đồng trường sẽ là một hội đồng mới, nhiệm kỳ mới, thực hiện tất cả các chức năng, nhiệm vụ mà Luật quy định” – bà Phụng nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của một số đại biểu về cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy nhà trường và Hội đồng trường, bà Phụng trao đổi: Khi các trường được tự chủ, căn cứ vào điều kiện tương quan cũng như nề nếp làm việc của trường mình để có cơ chế phối hợp hiệu quả nhất. Trên bình diện chung, các văn bản của Đảng có quy định rất cụ thể về vai trò của Đảng trong lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ, công tác chuyên môn cũng như các hoạt động của nhà trường. Vì vậy, tất cả các hoạt động khác sẽ được chi phối bởi các quy định này.

Hội đồng trường cũng có thể ban hành quy chế hoạt động; trong đó sẽ có nội dung phối hợp giữa các bên liên quan như: Đảng ủy hay Ban Giám hiệu. Tất nhiên là văn bản quan trọng nhất là Quy chế và tổ chức hoạt động của trường cũng nên thể hiện những nội dung này. Mỗi trường đều có vị thế, cách thức, nề nếp làm việc khác nhau. Vì thế, các trường sẽ tự xác định như thế nào là hiệu quả cho trường mình, không nên chờ form chung. Chúng ta có thể căn cứ vào thực lực của trường mình cũng như là chia sẻ kinh nghiệm của các trường để thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả nhất. 

“Nhìn chung, Luật số 34 và Nghị định 99 đã quy định cơ cấu tổ chức, thực hiện các quyền của Hội đồng trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Các văn bản chỉ đạo điều hành là các văn bản cá biệt nên cũng phải phù hợp với pháp luật hiện hành”.
                                                                 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ