Giờ thực hành môn Vật lý của học sinh Trường phổ thông DTNT tỉnh. Ảnh: báo Phú Thọ |
(GD&TĐ) - Đi vào cuộc sống trên 20 năm, chính sách cử tuyển đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng ở các vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, đã nảy sinh những bất cập trong quá trình thực hiện làm hạn chế không ít những kết quả của chủ trương này.
Vẫn còn dân tộc “trắng” cử tuyển
Hiện nay, đối tượng và địa bàn cử tuyển là các dân tộc sống tại các xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, địa bàn này thường rất ít đối tượng đủ điều kiện cử tuyển, nhất là những dân tộc rất ít người. Điều này dẫn đến tình trạng phần lớn số học sinh đủ tiêu chuẩn xét tuyển tập trung vào dân tộc thiểu số có dân số đông. Trong khi đó, các dân tộc khác rất thiếu cán bộ cần được đào tạo lại không có nguồn.
Theo thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT, dân tộc Thái có số học sinh cử tuyển đông nhất với 15,17%. Tiếp đến là dân tộc Khmer với 12,46%, dân tộc Tày chiếm 9,59%, Hmông 8,04% và Dao với 5,58%... Trong khi đó, một số dân tộc như Co, Mảng, Rơ Măm, Cơlao, Gié - Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lôlô, trong 5 năm chỉ có dưới 10 học sinh cử tuyển.
Đặc biệt, còn đến 6 dân tộc vẫn chưa có học sinh cử tuyển như Brâu, La Hủ, Lự, Ngái, Ơ đu và Sila. Hiện, số người có trình độ ĐH của một số dân tộc thiểu số còn rất thấp. Có thể kể đến dân tộc Raglie (chỉ chiếm 0,1%), Xtiêng (0,1%), Khơ Mú (0,1%), Pà Thẻn (0,1%), Kháng (0,1%), Mông (0,2%), Dao (0,2%), Gia Lai (0,2%), Ba Na (0,2)... Thực trạng này dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo đối với các dân tộc thiểu số.
Không chỉ có vậy, nhận định từ Ủy ban dân tộc, việc phân bổ chỉ tiêu cử tuyển một số nơi thực hiện chưa đúng quy trình, chưa sát với tình hình thực tế. Công tác xác định nhu cầu đào tạo ĐH, CĐ, THCN theo chế độ cử tuyển có địa phương chưa mang tính chiến lược. Có nơi, số học sinh dân tộc thiểu số không nhiều và số xã thuộc vùng tuyển ít nhưng chỉ tiêu lại được giao nhiều và ngược lại.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều tỉnh kêu khó bởi một số tỉnh nguồn học sinh thiểu số đạt tiêu chuẩn đi học cử tuyển theo quy định không nhiều; nhất là các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Như tại Đăk Nông, chất lượng giáo dục dân tộc thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh, chỉ có 76,3% trẻ dân tộc hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 nên tỉnh này cũng thừa nhận, trình độ học sinh cử tuyển trên địa bàn còn thấp, sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc. Hay như tại huyện Kông Chro (Gia Lai), hầu như không có học sinh đăng ký cử tuyển theo đúng đối tượng quy định...
Bên cạnh những bất cập về chỉ tiêu, cơ cấu ngành nghề đào tạo cử tuyển cũng bắt đầu xuất hiện sự mất cân đối, có nơi chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông tin từ Ủy ban dân tộc, ngành nghề cử tuyển hàng năm tập trung chủ yếu vào một số ngành nông, lâm nghiệp, văn hóa, thể thao. Các ngành khác như y tế, giao thông, thủy lợi, kiến trúc, xây dựng... được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế dẫn đến mất cân đối, khó khăn trong bố trí công việc sau tốt nghiệp.
Chất lượng sinh viên cử tuyển cũng là một bài toán nan giải. Con số chỉ từ 3 đến 5% học sinh, sinh viên cử tuyển đạt loại khá thực sự khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM có 3/37 sinh viên diện cử tuyển học kém buộc phải thôi học. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng, nhiều học sinh phải dừng tiến độ để bổ sung kiến thức. Đặc biệt, sinh viên cử tuyển gặp rất nhiều khó khăn với học chế tín chỉ... Kết quả học tập thấp, đó cũng là hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội miền núi, vùng cao, vùng sâu.
Cần hàng loạt những thay đổi
Sau một chặng đường dài với những kết quả đạt được khả quan, đến nay, chính sách cử tuyển vẫn rất cần được tiếp tục để khắc phục những thiếu hụt cán bộ cho vùng dân tộc và miền núi. Bởi dù đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số đã dần đông đảo nhưng thực tế vẫn còn thiếu về số lượng và yếu kém về chất lượng. Số người được đào tạo, dạy nghề còn thấp, chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy được hiệu quả, rất nhiều ý kiến cho rằng nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134 và Thông tư liên tịch số 13 cho phù hợp với tình hình thực tế. Hàng loạt những nội dung cần sửa đổi như về đối tượng, vùng tuyển, về thành phần dân tộc, về quản lý chỉ đạo giao chỉ tiêu, quy trình xét tuyển, cấp kinh phí, theo dõi quá trình học tập và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số theo chế độ cử tuyển với những kế hoạch chiến lược lâu dài. Cũng không thể thiếu việc rà soát, thống kê các ngành nghề đào tạo, các dân tộc, các địa bàn cần ưu tiên cử tuyển theo tiêu chuẩn. Đặc biệt, rất cần đến tinh thần trách nhiệm trong đề xuất chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh tình trạng lãng phí kiểu như ngành nghề địa phương đang dư thừa nhân lực vẫn vô tư đề xuất chỉ tiêu.
Về phía Bộ GD&ĐT cũng đã có kiến nghị các cơ quan xây dựng chính sách tiếp tục rà soát các chính sách dân tộc, tiếp cận thực tế với bà con dân tộc để tìm hiểu các bất cập, làm cơ sở sửa đổi bổ sung các quy định tại Nghị định 134. Bộ GD&ĐT cũng thể hiện kỳ vọng nâng cao nhận thức để có cách nhìn đúng đắn về mục tiêu chế độ cử tuyển, không những chỉ đào tạo ở trình độ ĐH, CĐ mà chuyển hướng tăng dần đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề.
Theo thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT, dân tộc Thái có số học sinh cử tuyển đông nhất với 15,17%. Tiếp đến là dân tộc Khmer với 12,46%, dân tộc Tày chiếm 9,59%, Hmông 8,04% và Dao với 5,58%... Trong khi đó, một số dân tộc như Co, Mảng, Rơ Măm, Cơlao, Gié - Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lôlô, trong 5 năm chỉ có dưới 10 học sinh cử tuyển.
Tuệ Minh